Do mất mùa, sản lượng cà phê sụt giảm nên trong tháng 1-2011, xuất khẩu cà phê của cả nước chỉ đạt 100.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá càphê xuất khẩu trên thị trường thế giới đang tăng mạnh nên kim ngạch xuất khẩu càphê chỉ giảm khoảng 13% so với cùng kỳ, đạt 175 triệu USD.
Theo dự báo, sản lượng của nhiều nước sản xuất cà phê lớn sẽ giảm dẫn nên trong thời gian tới nhiều khả năng giá cà phê sẽ tiếp tục bị đẩy lên cao do nhu cầu vượt xa nguồn cung.
Hiện giá cà phê giao đến tháng 5/2011 đang được các doanh nghiệp ký với mức 2.070- 2.080 USD/tấn, tăng 48% so với cuối năm 2009. Hiệp hội cà phê Việt Nam dự báo, nếu giá cà phê thế giới tiếp tục giữ ở mức khoảng 2.000 USD/tấn thì kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt 2 tỷ USD trong năm nay.
Hiệp hội cà phê Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, cần theo dõi sát tình hình cung-cầu cà phê thế giới; không nên bán hàng trừ lùi với mức quá lớn, chỉ nên áp dụng các hợp đồng trừ lùi trong thời gian ngắn từ 1-2 tháng; đồng thời doanh nghiệp cũng nên có hàng trong kho rồi mới ký hợp đồng để có thể chốt giá ngay khi ký hoặc khi giao hàng.
Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,1 triệu tấn cà phê, thu về kim ngạch gần 1,7 tỷ USD. Hiện Việt Nam tiếp tục là nước sản xuất và xuất khẩu càphê lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Brazil. Theo kế hoạch, năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững với kế hoạch trong 10 năm tới sẽ thực hiện tái canh từ 25-30% diện tích cà phê đã già cỗi và năng suất thấp; giữ ổn định diện tích cà phê cho thu hoạch ở mức 500.000ha và sản lượng xuất khẩu hàng năm vào khoảng 1 triệu tấn.
Bên cạnh đó, trong khâu canh tác và chế biến, ngành cà phê sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để đạt các chứng chỉ quốc tế như cà phê UTZ, càphê 4C nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.