Đào tạo, sát hạch lái xe: Bảo đảm biện pháp phòng dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau hơn 1 tháng tạm dừng để phòng-chống dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh đã khởi động trở lại. Bên cạnh công tác chuyên môn, việc triển khai các giải pháp phòng-chống dịch Covid-19 cũng được các đơn vị đặc biệt quan tâm.
Do yêu cầu của công tác phòng-chống dịch Covid-19, ngày 20-3, Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh hoãn tổ chức các kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô, ô tô. Tổng cộng đã có 6 kỳ sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 (với khoảng 2.220 thí sinh) và 2 kỳ sát hạch cấp GPLX ô tô (với 572 thí sinh) phải hoãn tổ chức. Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và Người lái (Sở GT-VT) cho hay: “Hiện lượng thí sinh có nhu cầu dự thi sát hạch cấp GPLX mô tô, ô tô bị dồn lại đến gần 2.800 người. Nếu không bắt tay tổ chức thi sớm trở lại sẽ gây áp lực không nhỏ cho các đơn vị đào tạo, sát hạch trong thời gian tiếp theo”.
Đo thân nhiệt thí sinh trước khi vào khu vực dự thi sát hạch lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pa. Ảnh: L.H
Đo thân nhiệt thí sinh trước khi vào khu vực dự thi sát hạch lái xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pa. Ảnh: L.H
Sau hơn 1 tháng tạm dừng, đến ngày 23-4, thực hiện hướng dẫn của Bộ GT-VT và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GT-VT đã cho phép các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe triển khai tổ chức hoạt động trở lại. Phó Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Sở yêu cầu các đơn vị tổ chức các kỳ sát hạch trên cơ sở thực hiện tốt những quy định về phòng-chống dịch Covid-19 như: không tổ chức lễ khai mạc để tránh tập trung đông người và phổ biến thông tin đến thí sinh qua hệ thống loa phát thanh; sát hạch chia theo từng khung giờ, mỗi nhóm không quá 20 người căn cứ theo địa bàn cư trú của thí sinh, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt… Đồng thời vẫn phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX”. 
Huyện Krông Pa và Đức Cơ là 2 địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh tổ chức kỳ sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 kể từ sau khi được cho phép hoạt động trở lại. Vào các ngày 28 và 29-4, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pa, Sở GT-VT đã tổ chức kỳ sát hạch cấp GPLX mô tô hạng A1 cho 1.000 học viên ở các huyện: Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa… Tham dự kỳ sát hạch, thí sinh Ksor Chuên (buôn Nông Siu, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) bày tỏ: “Đến dự thi, tôi được hỗ trợ rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, cấp khẩu trang và được hướng dẫn đứng giãn cách với những người khác. Lịch thi thông báo rõ ràng thời gian, phương án thi nên tôi khá an tâm”. Tương tự, thí sinh Nay H’Biêo (buôn Drai, xã Ia Hdreh) cũng chia sẻ: “Tôi muốn học và thi lấy GPLX để nắm được các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Công tác phòng-chống dịch được thực hiện chặt chẽ cả bên trong và bên ngoài khu vực dự thi. Tất cả mọi người đều tuân thủ hướng dẫn của cán bộ”.
Phòng thi lý thuyết tại kỳ sát hạch lái xe tại huyện Krông Pa được bố trí giãn cách mỗi thí sinh 1 bàn. Ảnh: L.H
Phòng thi lý thuyết tại kỳ sát hạch lái xe tại huyện Krông Pa được bố trí giãn cách mỗi thí sinh 1 bàn. Ảnh: L.H
Để tránh tình trạng thí sinh đổ dồn về dự sát hạch cùng một lúc, Sở GT-VT và đơn vị tổ chức đào tạo, sát hạch là Công ty TNHH một thành viên Khánh Bảo đã xây dựng phương án chia nhóm thí sinh. Bà Nguyễn Thị Hà-Giám đốc Công ty-thông tin: “Chúng tôi chia thí sinh thành từng nhóm nhỏ (20 thí sinh/nhóm). Từng nhóm lần lượt vào khu vực dự thi theo sự điều tiết, phân luồng của cán bộ tổ sát hạch. Tất cả thí sinh khi vào khu vực dự thi sẽ phải kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nhận và đeo khẩu trang rồi mới di chuyển vào phòng chờ. Tại các khu vực như: phòng chờ, phòng thi lý thuyết, khu vực thi thực hành lái xe trên sa hình…, mỗi người được xếp ghế ngồi cách nhau 1 m”. 
Tại Đức Cơ, trong 2 ngày 28 và 29-4, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện cũng đã tổ chức kỳ sát hạch GPLX mô tô hạng A1 cho 603 thí sinh. Phương án tổ chức thi cũng được xây dựng tương tự như huyện Krông Pa. “Việc xây dựng kế hoạch, phương án phân luồng và chia nhỏ lượng thí sinh thành nhiều ca thi là cần thiết để hạn chế tập trung đông người. Trong suốt quá trình tổ chức sát hạch, đơn vị tổ chức phải bố trí cán bộ theo sát, nhắc nhở kịp thời các trường hợp lơ là, không tuân thủ nghiêm quy định phòng-chống dịch Covid-19”-ông Kiên thông tin.  
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.