“Đảo” biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nằm cách đội công tác địa bàn không xa, giữa dòng Pô Cô hiền hòa, thơ mộng nổi lên một cồn đất và nơi ấy những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Cô (huyện Ia Grai) đã xây dựng thành “đảo tăng gia” sản xuất tập trung với cà phê, nuôi cá lồng bè… Và “đảo tăng gia” hay “đảo biên phòng” chẳng khác nào một luồng gió mát làm dịu đi cái nắng như thiêu đốt nơi miền biên viễn.

Giữa cái nắng như thiêu đốt của những ngày đầu tháng 4, từ đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Pô Cô, chúng tôi được Trung tá Trần Mạnh Hùng-Đồn phó nghiệp vụ đưa ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm công tác tăng gia sản xuất trên “đảo”. Băng qua những vườn cao su bạt ngàn, những rẫy mì đã được thu hoạch của người dân địa phương, chúng tôi ra tới bờ sông Pô Cô. Từ đây, phóng tầm mắt ra phía xa, một cồn đất rộng nổi lên giữa dòng sông và nơi ấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió-nơi đó chính là “đảo biên phòng”.

 

Quang cảnh trên đảo. Ảnh: P.D
Quang cảnh trên đảo. Ảnh: P.D

Như hẹn trước, vừa đến bến sông, chúng tôi đã được “già làng”-người gắn bó với “đảo” lâu nhất tính đến thời điểm này-Thiếu úy Siu Điều đón để đưa ra thăm đảo. Đang ngột ngạt bởi nóng, bụi biên giới, chúng tôi ngồi thuyền du ngoạn trên sông và dường như mọi bụi đường cũng như muộn phiền, ưu tư đều tan biến theo dòng nước mát. Bỏ lại phía sau mọi ồn ào, náo nhiệt, chúng tôi như đang lạc vào chốn thiên thai với sự bình yên, thản nhiên đến lạ.

Bức tranh thiên nhiên hữu tình ấy như được tô thắm hơn bởi hình ảnh của đập thủy điện Sê San phía xa hay thỉnh thoảng một vài chiếc thuyền của người dân lướt nhẹ trên sông… Vừa điều khiển chiếc thuyền máy, “già làng” Siu Điều nhớ lại: “Ngày mới đặt chân lên “đảo”, khu này rất hoang sơ, toàn rừng cây và thú rừng. Ban ngày, anh em phát dọn rừng cây, buổi tối thì mắc võng để ngủ, không điện, ban đêm cheo chồn, khỉ vẫn ghé thăm”. Có lẽ từ đó mà anh em đặt tên “đảo” này là “đảo khỉ” và phải mất hàng trăm ngày công khai hoang, anh em mới biến vùng đất cằn cỗi này thành khu “đảo tăng gia”.

“Đảo biên phòng, đảo tăng gia”

Mất hơn 10 phút ngồi thuyền máy, chúng tôi lên “đảo” và được cán bộ, chiến sĩ đón tiếp như những vị khách quý-có lẽ vì đây là lần đầu tiên sau 2 năm thành lập “đảo”, các anh mới có dịp đón một đoàn khách toàn là nhà báo ra thăm. Dẫn chúng tôi lên phía đồi cao, nơi có khoảng 10 cán bộ, chiến sĩ đang chăm sóc hơn 2 ha cà phê một năm tuổi, Trung tá Hùng cho biết thêm một số thông tin: “Đảo” có diện tích gần 10 ha, hiện đơn vị đã trồng được cà phê, mì và nuôi cá lồng bè.

Năm nay, đơn vị sẽ trồng thêm khoảng 2 ha cà phê, cùng với đó là trồng xen kẽ mì, đậu theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Chỉ tính riêng năm 2011, đơn vị trồng mì đã thu được trên 30 tấn, còn năm vừa qua trồng 3 ha nhưng năng suất đạt thấp, chỉ có 10 tấn. Cùng với đó, đơn vị cũng đầu tư 1 lồng bè cá với diện tích mặt nước khoảng 20 m2 và một năm nuôi 3 vụ, mỗi vụ thả khoảng 60 kg cá giống.

Song do bước đầu nuôi chưa có kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng chưa cao, mới chỉ đáp ứng nhu cầu cho anh em trong đơn vị chứ chưa có cá bán ra thị trường. Sau 2 năm thành lập, đến nay, đơn vị thu được từ tăng gia trên “đảo” được trên 100 triệu đồng và số tiền này được đầu tư ngược trở lại xây dựng, phát triển “đảo”.

“Đảo biên phòng” không chỉ là khu tăng gia tập trung nhằm tạo nguồn thu nhập bổ sung cho đơn vị mà còn là vành đai biên giới nhằm bảo vệ lòng hồ, đảm bảo an ninh chính trị và an ninh khu vực thủy điện khi có tình huống cần thiết. Thông thường trên “đảo” duy trì thường xuyên khoảng 4 anh em chiến sĩ, còn khi nào có đợt thu hoạch, trồng mới thì tăng cường thêm khoảng 15 anh em. Hầu hết, anh em trong đơn vị đều xuất thân là con nhà nông nên từ khâu thiết kế vườn cây, đào hố, làm đất trồng cà phê đến làm cỏ, ép xanh, bón phân… đều được các anh làm rất thuần thục. Ngoài trồng cà phê, nuôi cá lồng bè, đơn vị còn nuôi thêm dê, gà, vịt và dự kiến trồng thêm cây điều, bời lời vừa để chắn gió vừa có nguồn thu.

 

Ảnh: Phương Dung
Ảnh: Phương Dung

Trao đổi thêm với chúng tôi, Trung tá Hùng cho biết: “Đồn có nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ biên giới vững chắc, ngoài ra Đảng ủy Đồn còn ra Nghị quyết xây dựng khu tăng gia tập trung nhằm đảm bảo đời sống cho anh em chiến sĩ. Bước đầu rất vất vả nhưng với quyết tâm cao, cùng với sự động viên của Đảng ủy Đồn, anh em đã hiểu, thấm nhuần để cùng chung sức xây dựng đơn vị. Dự kiến khoảng 2 năm sau, “đảo tăng gia” sẽ cho thu hoạch khoảng 40-50 triệu đồng từ cà phê, ngoài ra thu hoạch từ mì cũng giúp cải thiện cuộc sống, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ biên giới.

Đời sống lính “đảo”

Một ngôi nhà sàn rộng chừng 30 m2 được dựng ngay sát mép sông là nơi sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ trên “đảo”. Ba chiếc giường được kê sát nhau, một chiếc ti vi-nguồn thông tin duy nhất của anh em trên “đảo” được phát sóng nhờ vào hệ thống năng lượng mặt trời, một chiếc tủ là nơi đựng vật dụng cá nhân chung cho mọi người, một chiếc bàn phía trên có đặt một bình hoa mai bằng nhựa và phía trên bức vách có treo tấm ảnh Bác Hồ… Ngoài ra, trong gian nhà nhỏ ấy còn có máy tích điện năng lượng, chiếc quạt máy nhưng vì hệ thống tích điện gặp trục trặc nên nguồn điện không ổn định.

Để làm đẹp cho không gian sống, các anh còn treo phía trước nhà một vài nhánh lan rừng và xung quanh một vài cây hoa dại các anh kiếm được trong quá trình khai hoang và tận dụng những gốc cây mục để làm thành chậu hoa có một không hai… Hình ảnh ấy khiến chúng tôi liên tưởng đến các anh lính trong bài hát “Nơi đảo xa”. Dù không ngàn bão táp phong ba, không có những con tàu xa nhưng “đảo biên phòng” vẫn hiên ngang nơi biên giới xa.

Thiếu úy Phan Đức Khánh, tâm sự: Vốn là lính lại là lính biên phòng, công việc đòi hỏi phải thường xuyên xa nhà, thế nhưng những ngày đầu nhận nhiệm vụ ra “đảo tăng gia”, hầu hết ai cũng nhớ đơn vị. Ban ngày, anh em đều tỏa đi làm hết thì không sao nhưng tối đến thì nỗi nhớ càng da diết bởi xung quanh chỉ mênh mông là nước, rừng cây. Nhưng ở riết thành quen, nơi đây phong cảnh cũng nên thơ, trữ tình và cũng muốn một lần đưa người yêu lên thăm đảo vì đây chính là địa điểm du lịch lý tưởng mà chẳng cần đi đâu xa.

Còn thiếu úy Rơchâm Juêh-đội phó vũ trang, “đảo trưởng” thì cho rằng: Cuộc sống của anh em có lúc thấy buồn nhưng cũng rất thú vị, dù không được chơi thể thao như trong đơn vị nhưng anh em lại được thoải mái bơi lội, câu cá và ca hát. Hiện đơn vị đã đào được giếng nước và chăn nuôi gà, vịt, trồng được rau xanh… không còn phải dùng nước sông như những ngày đầu.

Cách ngôi nhà sàn chừng 20 mét, một ngôi nhà lênh đênh trên sông vừa là nơi nghỉ ngơi của anh em mỗi khi nhàn rỗi và phía dưới cũng là nơi nuôi cá lồng bè. Để ra được lồng cá, các chiến sĩ chỉ cần nhảy ùm xuống sông rồi bơi qua, riêng với chúng tôi phải leo lên một chiếc thuyền chuyên dụng của đồn. Ngồi tại đây, tôi chợt hình dung nếu có thời gian rảnh rỗi được ngồi ở đây thư giãn, thả cần câu thì sẽ chẳng nơi nào thú vị bằng.

Chếch về phía trái, ngay bên mép sông là bến tắm rửa, sinh hoạt của chiến sĩ được ghép bằng những tấm gỗ… Có lẽ với người lính, chẳng có khó khăn nào khiến họ chùn bước, bởi ngay tại đây, bằng bàn tay, khối óc, họ đã “kiến tạo” nên một “đảo biên phòng”, “đảo tăng gia” trù phú trong tương lai không xa.  

...Chiều về! từng đàn cò trắng bay lượn phía trên dòng sông. Phía sau, một vài chiến sĩ đang ngụp lặn dưới dòng Pô Cô thả sức vui nghịch cùng sóng nước, một số chiến sĩ khác thì ngồi trên ngôi nhà lênh đênh trên sông để thả câu… hình ảnh ấy cứ níu mãi lấy tâm trí tôi trong suốt chặng đường ngồi thuyền trở lại đất liền. Và chúng tôi tự hứa rằng, một ngày không xa sẽ trở lại thăm “đảo”, thăm anh em trên “đảo” nhưng không phải là đi công tác mà sẽ là đi tham quan, du lịch-tại sao không (?!)

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.