Dakwah ở xóm người Chăm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ở miền Tây mà không rượu bia, hát hò đúng là chuyện lạ. Nhưng ở huyện An Phú, An Giang có một nơi như thế: không rượu chè, không tiệc tùng hát hò thâu đêm suốt sáng.

Đã 17 năm nay, xóm làng thanh bình như thế. Mọi việc bắt đầu từ khi có mô hình Dakwah - tiếng Chăm có nghĩa là "rủ nhau làm tốt, không làm chuyện xấu". Đó là cộng đồng người Chăm ở xã Quốc Thái.

 

 

Bỏ bia rượu, cờ bạc

Ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái không ai không biết ông Sa Lim, 43 tuổi. Ông Sa Lim bây giờ là người coi giữ thánh đường, nhưng tiếng tăm của ông "lẫy lừng" từ hơn 10 năm về trước.

Lúc đó ông là một tay cờ bạc, rượu chè, hút cần sa và có lần vác dao đuổi chém cha mình. Cứ vài bữa ông lại bị công an mời về "uống nước trà". Hàng xóm ai cũng ngán ngẩm.

Rồi năm 2000, Ban giáo cả của cộng đồng người Chăm ngồi lại bàn với nhau: phải làm sao chứ để thanh niên trong xóm hư quá, nhậu nhẹt, cờ bạc, một số còn hút chích. Thế là mô hình Dakwah ra đời.

Nhưng không phải mô hình ra đời là mọi việc yên ngay. Ì ạch tới năm 2002 mô hình mới có tác dụng.

Với trường hợp ông Sa Lim, ban giáo cả nhiều lần tới tận nhà nhỏ to tâm sự, khuyên giải. Mưa dầm thấm đất, ông Sa Lim dần nghe ra. Ông nói: "Tôi bỏ rượu từ đó đến giờ. Nhiều bạn bè tôi cũng tham gia làm tốt. Từ bỏ chuyện xấu nên tôi được giao giữ thánh đường".

Cũng từ mô hình làm tốt đó, có nhiều người nghèo được giúp đỡ. Trong ngôi nhà cấp 4 được lợp tôn mới toanh, anh Sa Lês, 38 tuổi, xúc động cho biết căn nhà này được xây dựng từ nguồn tiền của bà con chòm xóm đóng góp cho ban giáo cả.

Nhà anh Lês có 4 người con, siêng làm ăn nhưng con đông nên thiếu trước hụt sau. Cha mẹ cho nền nhà nhưng nhiều năm nay cất không nổi mái nhà. Căn nhà mới này ban giáo cả giúp gia đình anh được 16 triệu đồng.

Anh Sa Lês nói ở xóm này bây giờ ai khó khăn về nhà ở hay bệnh tật đột xuất đều được giúp đỡ kịp thời. Mọi chuyện từ khó khăn đến gút mắc gì cũng được thảo luận ở thánh đường.

Trong năm 2017, đã có 6 căn nhà cho bà con nghèo với số tiền giúp trên 120 triệu đồng, 40 triệu đồng đỡ đần người đau ốm. Tiền này do bà con đóng góp.

Ai làm chuyện xấu bị tẩy chay

 

Thanh niên trong xóm đều được ông Sơ Lim (trái) nhắc nhở làm việc tốt và tạo công ăn việc làm.
Thanh niên trong xóm đều được ông Sơ Lim (trái) nhắc nhở làm việc tốt và tạo công ăn việc làm.

Ông Sơ Lim, thành viên cốt cán của mô hình "Rủ nhau làm tốt", cho biết mô hình có những điều cấm kỵ tuyệt đối như: không nói xấu tôn giáo của nhau, cấm tự cao tự đại và không xin tiền làm chuyện này chuyện nọ...

Nhớ lại mười mấy năm trước, ông Gia - phó ban giáo cả - cho biết mặc dù rượu bia là điều cấm kỵ với người Chăm ở đây nhưng trước kia thanh niên thường xuyên nhậu thâu đêm suốt sáng, ca hát vang lừng làm phiền chòm xóm. Người dân hầu hết đều nghèo.

Lúc đó ai nghèo khổ mặc ai, ai sai quấy cũng kệ. Giờ đây tình trạng này đã không còn.

"Bà con vẫn cứ làm đám tiệc, nhưng gia đình nào tổ chức nhậu và hát hò thì vô họp bị phê bình, nhắc nhở. Còn tái phạm làng xóm sẽ tẩy chay, bà con sẽ không chơi hay ghé thăm nhà đó nữa. Vì vậy, bây giờ không ai dám ăn nhậu, hát hò như trước" - ông Gia nói.

 

Xóm làng bình yên

Ông Trần Văn Thanh - chủ tịch Ủy ban MTTQ VN huyện An Phú - nói theo tôn giáo của người Chăm, họ không ăn nhậu, không tiệc tùng, nhưng những năm trước nhiều thanh niên vẫn ăn nhậu và cả hút chích cần sa, ma túy, làm tình hình rồi an ninh trật tự ở địa phương rất phức tạp.

Nay từ mô hình Dakwah, tình trạng trên được dẹp bỏ hoàn toàn.

Xóm làng bình yên, yêu thương đoàn kết và đỡ đần nhau trong cuộc sống nên cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá.

Theo ông Gia, giờ đây cả làng xóm ai nấy đều chí thú làm ăn. Toàn xóm hiện còn 30 hộ nghèo và cận nghèo, luôn được quan tâm giúp đỡ. Ông Gia tự hào nói: "Nếu so với lúc trước, bây giờ đã thay đổi hẳn. Mô hình này thật sự mang tính cộng đồng rất cao, nhờ bà con đoàn kết mới thực hiện được".

Ông Huỳnh Thanh Hồng, phó công an xã Quốc Thái, cho biết thấy mô hình này mang lại lợi ích thiết thực. Từ năm 2016 Công an huyện An Phú chỉ đạo các xã học tập và nhân rộng "Rủ nhau làm tốt", cảm hóa được nhiều thanh thiếu niên hư.

Thượng tá Huỳnh Văn Đảm - trưởng Công an huyện An Phú - cho biết tình trạng vi phạm pháp luật trong cộng đồng người Chăm hiện nay đã giảm trên 80% về nhiều mặt, kể cả tai nạn giao thông.

Bửu Đấu/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.