Đak Đoa đẩy mạnh tiêu thụ nông sản an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ năm 2019 đến nay, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) duy trì tổ chức phiên chợ nông sản an toàn nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản đặc trưng của địa phương.

Đa dạng nông sản an toàn

Ban đầu, cứ định kỳ ngày 15 hàng tháng, huyện Đak Đoa tổ chức phiên chợ nông sản an toàn. Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị chu đáo hơn, từ năm 2022 đến nay, phiên chợ được tổ chức mỗi quý 1 lần với 20 gian hàng trưng bày, bán các loại nông sản an toàn và sản phẩm được chứng nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh.

Các loại nông sản tham gia phiên chợ ngày càng phong phú và đa dạng với bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài các sản phẩm đã khẳng định thương hiệu và chất lượng trên thị trường như: Bò khô Huy Vũ, hồ tiêu, cà phê, khoai lang Lệ Cần… phiên chợ còn có những sản phẩm mới được người tiêu dùng ưa chuộng như trái cây các loại, măng, rau xanh, cà chua, cherry, gạo J02…

Cùng với các gian hàng của địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn mời thêm một số đơn vị, chủ thể ở huyện Mang Yang, Chư Prông, Ia Grai, TP. Pleiku… cùng tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối, quảng bá, tiêu thụ nông sản sạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh (thị trấn Đak Đoa) cho biết: Từ khi huyện tổ chức phiên chợ nông sản an toàn, tôi thường xuyên đến mua các mặt hàng rau củ quả cùng một số nông sản đã qua chế biến về phục vụ bữa ăn gia đình.

“Việc duy trì tổ chức định kỳ phiên chợ nông sản an toàn giúp người tiêu dùng an tâm hơn bởi các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng nhận an toàn thực phẩm”-bà Thanh nói.

Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ nông sản an toàn do huyện Đak Đoa tổ chức. Ảnh: N.D

Người dân tham quan, mua sắm tại phiên chợ nông sản an toàn do huyện Đak Đoa tổ chức. Ảnh: N.D

Không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà thông qua phiên chợ, hộ kinh doanh cá thể, hộ có sản phẩm nông sản sạch cũng có cơ hội kết nối, quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy (tổ 5, thị trấn Đak Đoa) cho hay: Trong tháng 12-2023, tôi đưa sản phẩm trà hoa hòe do gia đình tự trồng, chế biến tham gia phiên chợ triển lãm sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông sản an toàn của huyện.

“Lần đầu tiên sản phẩm trà hoa hòe của tôi được đưa ra thị trường để giới thiệu với khách hàng. Trong những phiên chợ tới, tôi sẽ tiếp tục cải tiến mẫu mã bao bì để sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài huyện biết đến nhiều hơn, lựa chọn sử dụng”-bà Thủy chia sẻ.

Quảng bá nông sản địa phương

Phiên chợ nông sản an toàn là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Đak Đoa cũng như các huyện, thành phố lân cận có dịp giao lưu, quảng bá các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.

Bà Mlơnh (thôn 2, xã Glar) thông tin: “Từ khi Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức định kỳ phiên chợ nông sản an toàn, Hợp tác xã Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar của chúng tôi đều đưa các sản phẩm dệt truyền thống đến trưng bày, bán. Nhờ vậy, sản phẩm dệt của các thành viên Hợp tác xã được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn”.

Sản phẩm dệt thổ cẩm xuất hiện thường xuyên trong các phiên chợ nông sản an toàn. Ảnh: N.D

Sản phẩm dệt thổ cẩm xuất hiện thường xuyên trong các phiên chợ nông sản an toàn. Ảnh: N.D

Còn bà Hồ Thị Vân (làng Kóp, xã Kon Gang) thì thông tin: “Tôi thường xuyên tham gia phiên chợ nông sản an toàn với 3 sản phẩm măng khô, măng giòn và măng chua. Từ khi tham gia phiên chợ, sản phẩm của tôi được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, doanh số bán hàng cũng cao hơn. Để thu hút người tiêu dùng, tôi thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Những năm gần đây, Phòng đã bố trí địa điểm thuận lợi để tổ chức phiên chợ nhằm thu hút nhiều người dân trong và ngoài huyện đến mua sắm.

Đồng thời, trình chiếu hình ảnh các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản ở các xã, thị trấn đảm bảo chất lượng, thông tin giá rõ ràng giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.

Dù vậy, quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn như công tác tuyên truyền, quảng bá chưa thường xuyên và rộng rãi; một số hộ dân chưa biết phiên chợ nông sản an toàn để đưa sản phẩm sạch đến quảng bá, tiêu thụ.

“Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phiên chợ nông sản an toàn theo định kỳ hàng quý để các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản sạch tham gia kết nối, quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nông sản sạch của địa phương”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.