Cựu bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ bị truy tố vì nhận 1 triệu USD, xe Mercedes, đồng hồ Patek Philippe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị cáo buộc đã được Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil, nhiều lần tặng tổng số hơn 1 triệu USD, bộ gậy golf trị giá hơn 1 tỉ đồng cùng xe Mercedes S450 giá 6,7 tỉ đồng.

Ngày 18-9, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án Xuyên Việt Oil về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Đưa - Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bị can Lê Đức Thọ, cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ảnh: Bộ Công an
Bị can Lê Đức Thọ, cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ảnh: Bộ Công an

Theo đó, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao truy tố bị can Đỗ Thắng Hải, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương; Trần Duy Đông, cựu vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); Hoàng Tuấn Anh, cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Nguyễn Lộc An, cựu phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Đặng Công Khôi, cựu phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cùng 3 người khác về tội Nhận hối lộ.

Bị can Lê Đức Thọ, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank, cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị truy tố 2 tội danh Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Bị can Mai Thị Hồng Hạnh, giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Đưa hối lộ.

Bị can Nguyễn Thị Như Phương, Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị can Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty Xuyên Việt Oil; Đồng Xuân Dũng (nghề nghiệp tự do) và Vũ Trung Thành, cựu giám đốc ViettinBank Chi nhánh Thanh Xuân; Đinh Tiến Dũng, Kế toán trưởng Xuyên Việt Oil; Nguyễn Tấn Long, Trưởng phòng kinh doanh Xuyên Việt Oil, bị truy tố cùng về tội "Đưa hối lộ".

Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương. Ảnh: Bộ Công an

Giám đốc Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh (trái) và phó giám đốc Nguyễn Thị Như Phương. Ảnh: Bộ Công an

Theo cáo trạng, bị can Lê Đức Thọ có mối quan hệ "đặc biệt" với bị can Mai Thị Hồng Hạnh khi Xuyên Việt Oil có quan hệ tín dụng với Ngân hàng VietinBank. Bị can Lê Đức Thọ với vai trò là chủ tịch HĐQT, có thẩm quyền phê duyệt cấp giới hạn tín dụng trên 3.000 tỉ đồng cho các khách hàng.

Kết quả điều tra xác định bị can Hạnh đã hai lần đưa hối lộ cho bị can Lê Đức Thọ tổng số tiền 600.000 USD để được giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giới hạn tín dụng, kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng cho Xuyên Việt Oil.

Lần thứ nhất, đầu tháng 1-2019, bị can Hạnh cùng cấp phó của mình là Nguyễn Thị Như Phương đến gặp bị can Lê Đức Thọ. Trong cuộc gặp này, bị can Mai Thị Hồng Hạnh đã xin bị can Thọ hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ để công ty được ngân hàng cấp giới hạn tín dụng 7.000 tỉ đồng. Cựu chủ tịch ngân hàng nhận lời và đề nghị nữ giám đốc Xuyên Việt Oil cung cấp đầy đủ hồ sơ để xem xét giải quyết. Kết thúc cuộc gặp, bị can Hạnh đưa cho bị can Lê Đức Thọ 100.000 USD.

Lần thứ hai, năm 2019, nữ giám đốc Xuyên Việt Oil tiếp tục gặp bị can Lê Đức Thọ xin được hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ để ngân hàng cấp giới hạn tín dụng năm 2020-2021 cho Xuyên Việt Oil là 5.000 tỉ đồng. Sau khi được đồng ý, bị can Hạnh đã đưa hối lộ cho Lê Đức Thọ 500.000 USD.

Tuy nhiên, sau đó do chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giới hạn tín dụng nên bị can Hạnh tiếp tục gặp và đề nghị bị can Lê Đức Thọ cho kéo dài thời gian duy trì giới hạn tín dụng. Tháng 5-2020, cựu chủ tịch ngân hàng đã ký ban hành nghị quyết phê duyệt kéo dài giới hạn tín dụng 5.000 tỉ đồng đối với Xuyên Việt Oil.

Bên cạnh cáo buộc nêu trên, VKSND còn xác định trong thời gian làm bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bị can Lê Đức Thọ còn nhiều lần được bị can Hạnh gửi tiền, quà chúc mừng sinh nhật, chúc mừng nhận chức vụ mới. Trong đó, 1 lần bị can Hạnh đã biếu bị can Thọ 200.000 USD, 300 triệu đồng và 3 đồng hồ Patek Philippe tổng trị giá 355.000 USD.

Đối với số tài sản trên, Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Đức Thọ. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã thu giữ số tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án vì "đây là số tiền do Hạnh phạm tội mà có".

Ngoài số tiền nhận hối lộ trên, bị can Lê Đức Thọ còn nhiều lần được bà Hạnh gửi tặng tiền với "mục đích làm quen, tạo mối quan hệ", tặng quà sinh nhật hoặc lễ Tết gồm 470.000 USD và 1 đồng hồ Patek Philippe trị giá hơn 1,1 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, để nâng cao uy tín bản thân, cựu bí thư Lê Đức Thọ đã nhiều lần gặp đề nghị bị can Hạnh thành lập chi nhánh hoặc công ty con của Xuyên Việt Oil tại tỉnh Bến Tre để nộp thuế tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Bị can Lê Đức Thọ hứa sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ cho bị can Hạnh được thực hiện các dự án bất động sản, cảng biển, du lịch tại tỉnh Bến Tre.

Cơ quan công tố cáo buộc sau nhiều lần được bị can Thọ "giúp đỡ", giám đốc Xuyên Việt Oil đã ba lần đưa tiền và quà giá trị lớn cho cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Lần thứ nhất, vào đầu năm 2022, bị can Hạnh tặng cựu bí thư Tỉnh ủy Bến Tre một bộ gậy golf nhãn hiệu Honma trị giá 1,1 tỉ đồng và một đồng hồ Patek Philippe Plus trị giá 421.000 USD. Tiếp đó, cuối tháng 3-2022, tại nhà khách Tỉnh ủy Bến Tre, bị can Hạnh đưa cho bị can Lê Đức Thọ số tiền 200.000 USD. Hai tháng sau, bị can Hạnh tiếp tục mua tặng ông Lê Đức Thọ một ôtô Mercedes Ben - S450 Luxury tổng trị giá 6,7 tỉ đồng.

Với hành vi trên, cựu bí thư tỉnh Bến Tre bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo Nguyễn Hưởng (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.