Công ty CP Nông nghiệp AgriS Gia Lai: Nỗ lực chống hạn trên cây mía

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Nông nghiệp AgriS Gia Lai (AgriS Gia Lai) tại các huyện, thị xã khu vực phía Đông Nam tỉnh bị thiếu nước tưới. Để đảm bảo cho cây mía phát triển, AgriS Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn.

Vùng nguyên liệu thiếu hụt nguồn nước tưới

Đợt nắng nóng kéo dài đã khiến mực nước tại các sông, suối, ao hồ ở khu vực các huyện, thị xã Đông Nam tỉnh giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Trong đó, có vùng nguyên liệu mía của AgriS Gia Lai.

Ruộng mía khô khốc tại xã Hbông ( huyện Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Lê

Ruộng mía khô khốc tại xã Hbông ( huyện Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Lê

Thông tin từ AgriS Gia Lai, vụ trồng mới 2023-2024, nông dân ở khu vực phía Đông Nam tỉnh đã trồng được 4.500 ha mía, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai đạt hơn 15.000 ha, đảm bảo công suất ép 8.000 tấn mía cây/ngày trong vụ ép 2024-2025. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài từ nhiều tháng qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến cây mía, nhất là những diện tích trồng mới mía nảy mầm không đồng đều, sinh trưởng phát triển chậm, còn mía lưu gốc thì tái sinh không đều.

Ông Bùi Đình Thạ (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho biết: Sau khi thu hoạch mía vụ ép 2023-2024, bà con tập trung chăm sóc mía lưu gốc theo quy trình, nhưng nắng nóng kéo dài, mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện giảm mạnh dẫn đến nhiều ruộng mía bị khô hạn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mía.

Tại xã Hbông (huyện Chư Sê) một trong những khu vực có ít công trình thủy lợi, người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước trời hoặc khoan giếng, đào ao tích trữ nước tưới cũng rơi vào cảnh khô cạn đã làm nhiều diện tích mía lưu gốc và mía trồng mới bị ảnh hưởng.

Ông Bùi Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Hbông-thông tin: Toàn xã hiện có hơn 1.900 ha mía, trong đó diện tích thu hoạch vụ ép 2023-2024 là hơn 1.600 ha, còn lại hơn 300 ha mía trồng mới. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, trên địa bàn xã không có mưa nên nhiều diện tích mía rơi vào cảnh thiếu nước tưới. Trước tình hình nắng hạn gay gắt, nhiều hộ dân đã chủ động khoan giếng để tưới cho cây mía song nguồn nước vẫn khó đảm bảo. Cán bộ Trạm nông vụ của AgriS Gia Lai thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số có mía lưu gốc dọn dẹp bằng phẳng, tưới nước tiết kiệm để duy trì độ ẩm chờ mưa. Ngoài ra, AgriS Gia Lai cũng hỗ trợ không hoàn lại 1 triệu đồng/ha cho người dân tưới mía lưu gốc.

Nỗ lực chống hạn

Những năm gần đây, xã Hbông (huyện Chư Sê) luôn đạt năng suất cao trong vùng nguyên liệu mía của AgriS Gia Lai, khi năng suất bình quân đạt 95 tấn/ha. Nhờ sáng tạo trong quy trình canh tác và chính sách đầu tư của AgriS Gia Lai nên cây mía trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây.

Ông Ngô Văn Trung (thôn Kte, xã Hbông) chia sẻ: Tôi liên kết trồng mía với AgriS Gia Lai được 4 năm với diện tích khoảng 3,8 ha. Vụ thu hoạch 2023-2024, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên diện tích mía lưu gốc của gia đình tôi dù đã bước sang năm thứ 4 vẫn đạt năng suất 80 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận được 30 triệu đồng/ha. Cũng nhờ được sự hướng dẫn của Công ty, năm ngoái tôi đầu tư khoan giếng và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt nên vào thời điểm nắng nóng gay gắt này, ruộng mía của tôi vẫn duy trì được độ ẩm cho cây mía sinh trưởng, phát triển.

Ông Ngô Văn Trung bên ruộng mía vẫn giữ màu xanh nhờ tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Nguyễn Lê

Ông Ngô Văn Trung bên ruộng mía vẫn giữ màu xanh nhờ tưới nước tiết kiệm. Ảnh: Nguyễn Lê

Còn bà Văn Thị Kiều Chinh (thôn Ia Sa, xã Hbông) bộc bạch: Được sự hướng dẫn của Công ty, gia đình tôi đã đào ao trữ nước để tưới cho cây mía trong mùa khô từ nhiều năm nay. Nhờ vậy, 4 ha mía lưu gốc sau thu hoạch đã được tưới nước giữ độ ẩm tránh bị mía chết gốc. Hiện tại, ruộng mía đang phát triển đồng đều và chỉ mong mưa đến sớm để tiếp tục chăm sóc, giữ năng suất ổn định trong vụ ép 2024-2025.

Cùng với kế hoạch kết thúc vụ ép 2023-2024 sớm hơn so với những năm trước khoảng 1 tuần, cuối năm 2023, AgriS Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu với chính sách hỗ trợ canh tác và chống hạn cho cây mía. Theo đó, trong vụ đầu tư trồng mới 2023-2024, AgriS Gia Lai đã hỗ trợ phân vi sinh cho 810 hộ dân với diện tích 5.500 ha, kinh phí hơn 15,4 tỷ đồng; tưới nước cho 298 hộ với diện tích 2.569 ha, hơn 2,5 tỷ đồng; phun kích thích sinh trưởng hơn 2.000 ha, với kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng…

Tưới nước tiết kiệm cho cây mía tại huyện Krông Pa. Ảnh: Nguyễn Lê

Tưới nước tiết kiệm cho cây mía tại huyện Krông Pa. Ảnh: Nguyễn Lê

Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Lan-Giám đốc AgriS Gia Lai-cho biết: Cũng như những vụ ép trước, Công ty luôn đồng hành cùng người trồng mía trong vùng nguyên liệu khi có nhiều chính sách đầu tư và hỗ trợ không hoàn lại cho người nông dân trồng mía như: hỗ trợ phân bón vi sinh, tưới nước, phun thuốc kích thích sinh trưởng cho cây mía nhằm đảm bảo nguyên liệu phục vụ công suất ép của Nhà máy trong vụ ép 2024-2025. Tuy nhiên, thời tiết năm nay gặp nhiều bất lợi, nắng nóng kéo dài đang ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu mía của Công ty. Trước tình hình này, AgriS Gia Lai đang phối hợp cùng các địa phương và người trồng mía triển khai nhiều giải pháp thâm canh cải tạo đất, phòng chống hạn và AgriS Gia Lai hỗ trợ một phần chi phí tưới nước giúp người trồng mía vượt qua giai đoạn khắc nghiệt do thời tiết gây ra.

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.