Biến đất cằn thành vùng nguyên liệu năng suất cao
Hbông là một trong những xã khó khăn của huyện Chư Sê bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phần lớn diện tích đất sản xuất bị nhiều tầng đá, sỏi, thiếu nước tưới. Người dân chủ yếu trồng cây bắp, đậu xanh và cây mì theo mùa vụ. Vì vậy, thu nhập quanh năm cũng chỉ đủ ăn, chuyện làm giàu với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là điều chưa bao giờ họ nghĩ đến.
Mọi việc được bắt đầu khoảng những năm 2017 và 2018, AgriS Gia Lai mạnh dạn đầu tư cải tạo đất đá, đưa cây mía từ Ayun Pa lên Hbông xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cho người dân học tập. Quá trình thực hiện cán bộ nông vụ của Agris Gia Lai trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người dân thấy cây mía sinh trưởng phát triển tốt, từng bước hình thành vùng nguyên liệu đạt năng suất cao mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nông dân Hbông phấn khởi khi cây mía đang trở thành cây làm giàu của địa phương. Ảnh: Nguyễn Lê |
Ông Kpă Brek (thôn Ia Sa, xã Hbông) phấn khởi cho biết, ông vừa thu hoạch 2 ha mía lưu gốc trong vụ ép 2023-2024 của AgriS Gia Lai, năng suất bình quân ước đạt 120 tấn/ha. Trước đây, diện tích này ông chỉ trồng bắp, mì, đậu xanh. Năm 2021, được AgriS Gia Lai đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng tiêu thụ, ông đã huy động anh em trong nhà cải tạo đất cho ruộng bằng phẳng. Thành quả là vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình ông thu được gần 200 tấn đủ hoàn vốn ban đầu. Vụ ép vừa rồi đạt gần 250 tấn, giá mía cao trừ chi phí lợi nhuận được 100 triệu đồng, con số mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có được. “Cây mía trồng ở Hbông phát triển rất tốt, năng suất cao, trồng một lần thu hoạch được 3-4 vụ. Hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với cây mì, bắp. Người dân Hbông bây giờ làm giàu từ cây mía không còn là chuyện lạ”-ông Brek nói.
Còn ông Bùi Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông-cho hay: Từ khi Agris Gia Lai hướng dẫn cải tạo các vùng đất đá, đầu tư giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật… nhiều hộ dân trong xã liên kết với AgriS Gia Lai trồng mía. Hiện nay, toàn xã có khoảng 1.700 ha mía đang chuẩn bị thu hoạch trong vụ ép 2023-2024. Đặc biệt, hiện nay đã có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng mía với năng suất bình quân đạt 90-100 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập cao. Nhờ các chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở hạ tầng, vụ trồng mới năm nay, người dân của xã đã mở rộng diện tích xấp xỉ 500 ha, số hộ trồng mía cũng tăng.
Không chỉ vùng đất khắc nghiệt Hbông, hiện nay cây mía cũng đã “bén duyên” trên chảo lửa Krông Pa, Công ty đã đầu tư cho người dân phát triển cây mía với diện tích gần 2.000 ha.
Cơ giới hóa trong khâu bốc mía vận chuyển về Nhà máy của AgriS Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Lê |
Thông tin từ AgriS Gia Lai, để đảm bảo nguyên liệu mía phục vụ công suất ép của nhà máy từ 6.000 tấn mía cây/ngày lên 8.000 tấn mía/ngày, vụ trồng và chăm sóc 2022-2023, Công ty triển khai nhiều chính sách hỗ trợ không hoàn lại, cùng các chương trình khuyến nông như cày ngầm, tưới nước tiết kiệm, cơ giới hóa, ứng dụng kỹ thuật phun chế phẩm sinh học… trên ruộng giúp cây mía sinh trưởng phát triển tốt, chín đều để người trồng mía chủ động trong thu hoạch. Nhờ vậy, niên vụ ép 2023-2024, vùng nguyên liệu đạt hơn 14.000 ha, tăng hơn 1.500 ha so với vụ ép 2022-2023. Không những vậy, thời tiết thuận lợi cây mía sinh trưởng phát triển tốt. Dự kiến, vụ thu hoạch mía năm nay năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu ước đạt 80 tấn/ha, sản lượng mía chế biến ước đạt trên 1.000.000 tấn.
Kỳ vọng vụ ép mới
Ngày 24-11-2023, AgriS Gia Lai đã khởi động niên vụ ép 2023-2024. Để đảm bảo thu hoạch kịp thời lượng mía chính vụ, giúp người dân chăm sóc sau thu hoạch tái sinh gốc tốt, Công ty vào vụ ép sớm hơn khoảng 20 ngày so với những năm trước; công bố chính sách thu mua mía sát với diễn biến giá đường trên thị trường hiện nay.
Theo đó, giá thu mua mía tại ruộng trong vụ ép 2023-2024 tăng 10-15% so với năm ngoái. Điều này mang đến niềm vui cho người trồng mía khu vực các huyện, thị xã Đông Nam và vùng lân cận về vụ thu hoạch.
Ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho biết: Cây mía rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương khi năng suất bình quân đạt 100-140 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định so với các loại cây trồng khác. Trong đó, AgriS Gia Lai đã có nhiều chính sách đầu tư giống, phân bón, tưới nước tiết kiệm, công thu hoạch… theo nhu cầu của người dân. Không những vậy, việc thu mua theo giá thị trường và thu mua toàn bộ sản lượng mía trên địa bàn huyện là một điều rất đáng mừng. “Hiện nay, địa phương mong muốn AgriS Gia Lai và các đơn vị khác tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích mía hình thành vùng nguyên liệu phát triển bền vững’’-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa thông tin thêm.
Nông dân xã Hbông (huyện Chư Sê) thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Lê |
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Lan-Chủ tịch Hội đồng Quản trị AgriS Gia Lai-cho biết: Những năm qua, AgriS Gia Lai luôn đồng hành cùng người trồng mía tại các huyện, thị xã Đông Nam và vùng lân cận tỉnh Gia Lai. Điều này thể hiện khi Công ty có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời giúp người dân phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng bền vững. Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, đơn vị luôn bám sát diễn biến giá đường để thu mua mía theo kịp giá thị trường giúp nông dân không lo lắng về giá. Bên cạnh đó, đẩy lịch thời vụ sản xuất sớm hơn mọi năm nhằm giảm áp lực trong thu hoạch giúp nông dân yên tâm trồng mía.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch tại vùng nguyên liệu của AgriS Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Lê |
“Hiện nay, AgriS Gia Lai đã phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng nguyên liệu, cùng người trồng mía sửa chữa cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng triển khai sản xuất vụ ép mới với kỳ vọng đảm bảo an toàn từ thu hoạch, vận chuyển, chế biến. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm để kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong vụ ép năm nay. Chúng tôi rất kỳ vọng cây mía tiếp tục mang lại nguồn thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha cho người trồng mía khu vực Đông Nam Gia Lai trong vụ ép 2023-2024”-Chủ tịch Hội đồng Quản trị AgriS Gia Lai chia sẻ.
Vụ ép 2023-2024 của AgriS Gia Lai bắt đầu từ ngày 24-11-2023 và dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 30-4-2024 với sản lượng chế biến ước đạt trên 1.000.000 tấn.