Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 Luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng 14-12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 Luật.

6 luật gồm: Luật Lâm nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản; Luật Quản lý nợ công; Luật Quy hoạch. Các luật này đã được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua.

 

 

Liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có 12 chương với 108 điều, tăng 4 chương và 20 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

Luật Lâm nghiệp đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản (Điều 1); thể hiện rõ lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, gồm tất cả các hoạt động gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ liên quan đến rừng (khoản 1, Điều 2). Đây là một trong những điểm mới quan trọng nhất, có liên quan trực đến toàn bộ nội dung cũng như cấu trúc Luật.

Luật đã thể chế hóa chế định sở hữu rừng (Điều 7) theo quy định Hiến pháp 2013, quy định 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: Rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư đã giao hoặc chưa giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư gồm rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đầu tư; nhận chuyển nhượng, tặng cho, nhận thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật.

Luật có hiệu lực từ 1-1-2019.

Minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sử hữu chéo

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/1/2018. Luật gồm 3 điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung 32 điều; bổ sung mới 28 điều. Điều 2 về điều khoản thi hành. Điều 3 về quy định chuyển tiếp.

Luật đã sửa đổi, bổ sung khái niệm về người có liên quan, đồng thời bổ sung giải thích một số thuật ngữ về xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được sử dụng trong Luật như thuật ngữ can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, phương án chuyển giao bắt buộc, bên nhận chuyển giao, tổ chức tín dụng hỗ trợ.

Luật đã thêm trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng. Quy định này để hạn chế việc lạm dụng quyền đồng thời là người quản trị, điều hành tại tổ chức tín dụng và doanh nghiệp để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung để minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sử hữu chéo. Cụ thể: Bổ sung quy định về không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng tại Điều 126,127,128 Luật Các tổ chức tín dụng; bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một tổ chức tín dụng không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại tổ chức tín dụng khác...

Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện

Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có hiệu lực từ 1/7/2018. Luật chỉ quy định sửa đổi, bổ sung đối với 11 điều trong số 36 điều của Luật hiện hành.

Liên quan đến các nhiệm vụ của cơ quan đại diện, Luật đã sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật của quy định về một số nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện để bảo đảm phù hợp với pháp luật chuyên ngành; bổ sung quy định về nhiệm vụ của cơ quan đại diện thống nhất quản lý thông tin đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận để phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan đại diện về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí hoạt động thường xuyên dành cho lĩnh vực thương mại của cơ quan đại diện và quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý kinh phí, đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện.

Luật bổ sung quy định làm rõ nhiệm vụ bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn đối với thành viên và trụ sở cơ quan đại diện; bổ sung quy định về việc cơ quan đại diện tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động của các đoàn được cử đi công tác nước ngoài nhằm thể chế hóa Quy chế về thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại do Bộ Chính trị ban hành. Luật quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp 2013.

Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ 1-1-2019 gồm 9 chương với 105 điều, giảm 1 chương và tăng 43 điều so với  luật hiện hành. Luật đã bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam; bỏ 2 chương về hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản và khen thưởng, xử lý vi phạm do các nội dung về hợp tác quốc tế. Nội dung hợp tác về khai thác thủy sản tại nước ngoài, tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam, nhập khẩu tàu cá được thể hiện trong Chương Khai thác thủy sản; quy định về khen thưởng và xư lý vi phạm đã được quy định tại 1 số luật khác.

Luật khẳng định Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hệ thống Kiểm ngư bao gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. Kiểm ngư tỉnh được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

Luật khẳng định tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư được nộp vào ngân sách Nhà nước và Cơ quan Kiểm ngư được cấp lại một phần kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho hoạt động kiểm ngư.

Siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ

Luật Quản lý nợ công gồm 10 chương, 63 điều quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.

So với Luật hiện hành, việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ được quy định theo hướng siết chặt điều kiện được bảo lãnh Chính phủ đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư công năm 2014 và Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

So với quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, việc thống kê, báo cáo và công bố thông tin nợ công được quy định chặt chẽ, xác định rõ yêu cầu về thống kế nợ công, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nợ công; làm rõ thông tin báo cáo, thời gian báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và công bố thông tin nợ công.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018.

Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới

Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về: lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.

Hệ thống quy hoạch gồm các loại quy hoạch sau: Cấp quốc gia; cấp vùng; cấp tỉnh; quy hoạch đô thị, nông thôn; quy định đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.

Quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn trên cả nước. Quy hoạch cấp dưới phải phù hợp quy hoạch cấp trên. Trong trường hợp quy hoạch cấp dưới được lập trước quy hoạch cấp trên thì quy hoạch cấp trên phải kế thừa những nội dung phù hợp của quy hoạch cấp dưới. Sau khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới phải được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp trên. Luật cũng quy định phương án xử lý trong trường hợp nội dung các quy hoạch có sự mâu thuẫn với nhau.

Luật Quy hoạch gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm