"Gắn bó với ông Đỗ Mười gần 50 năm, tôi học được rất nhiều, nhưng bài học lớn nhất là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", ông Phan Trọng Kính-trợ lý của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, bày tỏ.
Hình ảnh Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng cây đa lưu niệm tại xã Đông Mỹ năm 1996. Ảnh tư liệu. |
Chuyến đi vào "điểm nóng" Thái Bình
Theo ông Phan Trọng Kính, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có nhiều đóng góp trong việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở. "Hồi ấy ở Thái Bình có việc một số cán bộ lộng hành, ức hiếp quần chúng, khiến người dân vô cùng bức xúc, phản ứng. Ông Đỗ Mười về tận Thái Bình để hỏi thăm tình hình, gặp các cán bộ địa phương, cán bộ lão thành, gặp nhân dân. Trở về từ chuyến đi đó, ông Đỗ Mười họp với các bộ, ngành để xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở từ xã, phường, rồi trường học, bệnh viện, cơ quan. Cho đến bây giờ, quy chế dân chủ ở cơ sở vẫn đang phát huy hiệu quả", ông Phan Trọng Kính kể lại.
Cũng theo ông Phan Trọng Kính, đơn thư người dân gửi đến, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đều giải quyết. "Khi còn làm Thường trực Ban Bí thư, ông Đỗ Mười dành một tiếng đồng hồ vào mỗi buổi chiều để xuống Vụ Thư từ. Tại đây, ông xem các thư từ có vấn đề gì nổi lên để giải quyết".
Ông Kính kể, có lần, một người dân ở Thái Bình lên khiếu kiện về chuyện đền bù giải phóng mặt bằng. Ông này đến trước cổng hô: “Ông Đỗ Mười ơi!”.
"Đang giờ nghỉ giải lao giữa cuộc họp,ông Đỗ Mười cho mời ông này vào gặp. Sau khi nghe trình bày, ông Đỗ Mười mời lãnh đạo tỉnh Thái Bình lên rồi giao vụ việc, yêu cầu giải quyết dứt điểm", ông Kính nhớ lại.
Ông Phan Trọng Kính. Ảnh: Trường Phong |
"Năm 1991, khi ông Đỗ Mười về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu ông cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước. Có một bà mẹ ở Thừa Thiên - Huế có 5 con hy sinh. Khi ông Đỗ Mười đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói: "Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi..."
Trước lời nói đầy khí phách đó, ông Đỗ Mười về trao đổi với ông Lê Đức Anh là Chủ tịch nước và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng", ông Kính kể.
Ngôi nhà của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội). Ảnh: Trường Phong |
Cuộc chống lạm phát 700%
Theo ông Kính, cuộc chống lạm phát trước năm 1990 là một dấu ấn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
"Năm 1987, lạm phát lên đến 700%. Trước tình hình đó, ông Đỗ Mười huy động các nhà khoa học, nhà kinh tế để giải quyết. 40 đề án chống lạm phát được đệ trình, trong đó ông Đỗ Mười tâm đắc về đề án của ông Võ Đại Lược (lúc đó là Viện trưởng Viện kinh tế thế giới). Sau khi nghe báo cáo trực tiếp về đề án, ông Đỗ Mười yêu cầu thí điểm ở Hải Phòng, Hà Nội. Thấy có kết quả tốt, đề án được áp dụng. Lạm phát từ 700% kéo xuống chỉ còn vài chục %", ông Kính cho biết.
Cũng theo ông Kính, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười rất quan tâm tới việc phát triển công nghiệp, cũng như sự nghiệp giáo dục. "Thời kỳ làm Phó Thủ tướng, đi đâu ông Đỗ Mười cũng thăm hỏi các cháu học sinh. Thấy cơ sở vật chất của các trường nghèo nàn, thiếu thốn nhiều thứ, đặc biệt là trường ĐHSP Hà Nội, ông báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đề xuất đầu tư thích đáng cho trường, ông Kính kể.
Gần vạn cuốn sách và bữa cơm luôn có muối vừng
Theo ông Kính, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười góp ý phải hết sức tiết kiệm.
"Ông nói: "Một chai nước suối là một lít xăng, mình thiếu gì chè xanh mà không nấu nước uống để vừa bổ vừa mát lại đỡ tốn kém. Đi họp hành ở các địa phương mà bày vẽ chuyện ăn uống là ông Đỗ Mười không thích. Có lần ông dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định, hôm ấy có đại biểu các tỉnh ở phía Bắc về dự. Sau cuộc họp, tỉnh Nam Định mời một bữa cơm rất thịnh soạn, thừa nhiều. Ông Đỗ Mười chỉ ăn qua loa mấy miếng bánh mỳ. Sau đó, ông góp ý với tỉnh rằng ăn như thế này không được, như thế này là lãng phí", ông Kính nói.
"Gắn bó với ông gần 50 năm, tôi học được rất nhiều, nhưng bài học lớn nhất là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", ông Phan Trọng Kính chia sẻ.
Cũng theo ông Kính, trong sinh hoạt gia đình hàng ngày của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng rất giản dị. "Bình thường, bữa cơm của ông luôn có lọ muối vừng. Trên mâm cơm cũng thường có đậu phụ", ông Kính nhớ lại.
Ông Kính cho biết, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người ham đọc sách. "Sách của ông nhiều lắm, gần một vạn cuốn. Hàng ngày từ 4h đến 6h sáng, ông đọc sách. Có một lần ông Vũ Khiêu tặng hai cuốn sách rất dày. Chỉ trong một tháng, ông Đỗ Mười đọc hết hai cuốn sách đó. Đến khi ông Vũ Khiêu đến chơi, ông nói: "Tôi đọc hết hai cuốn sách của ông rồi nhé", đồng thời chỉ chỗ này, chỗ kia trong sách để trao đổi ", ông Kính kể.
Ông Kính nhớ có lần, một nữ phóng viên của Hãng Reuters đến thăm nhà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: "Ông Đỗ Mười đón tiếp chu đáo. Cô ấy nói muốn biết gia đình ông Đỗ Mười ra sao, vợ con thế nào, ông đều kể cho nghe. Ông Đỗ Mười cũng đồng ý cho cô ấy tham quan nhà. Thấy thư viện của ông có 6 – 7 giá sách cao, cô ấy rút một cuốn sách viết về Bill Clinton. Mở ra xem, cô ấy thấy nhiều chỗ trong sách được gạch chân. Ít hôm sau, trên bài báo mà cô viết có câu: "Đến thăm nhà ông Tổng Bí thư Đỗ Mười, không ngờ ông ở rất khiêm tốn, đồ đạc trong nhà toàn những thứ ít tiền...".
Trường Phong (TPO/Ghi)