Chuyện thường ngày: Lá chuối thay túi ni lông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ tháng 4, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng trong cả nước rầm rộ hưởng ứng phong trào dùng lá chuối gói thực phẩm thay cho túi ni lông. Dù vậy, việc làm ấy vẫn đang dừng lại ở chuyện phát động, còn chuyện giảm lượng rác thải mỗi ngày lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chủ động hạn chế sử dụng túi ni lông của mỗi người dân.
 Người tiêu dùng thích thú khi thấy thực phẩm được bọc bằng lá chuối. Ảnh: internet
Người tiêu dùng thích thú khi thấy thực phẩm được bọc bằng lá chuối. Ảnh: internet
Theo một thống kê, mỗi người sử dụng ít nhất 1 túi ni lông/ngày, mỗi gia đình thải ra môi trường hơn 1 túi ni lông/ngày và chỉ có 17% túi ni lông thải ra mỗi năm được tái chế. Chỉ cần quan sát mỗi buổi đi chợ của các bà nội trợ hàng ngày cũng đã có thể nhẩm tính được số lượng rác ni lông được thải ra. Hiện nay, thói quen dùng túi ni lông tràn lan của người bán lẫn người mua tại các khu chợ vẫn rất phổ biến. Ở quầy rau, chỉ là nắm hành ngò nhỏ cũng được người bán bỏ riêng vào túi ni lông đưa cho khách. Ở quầy thịt, nếu mua cả xương và thịt thì xương sẽ được đựng trong một túi riêng, thịt đựng một túi riêng và cả 2 túi sẽ được lồng vào một chiếc túi ni lông khác có kích thước lớn hơn. Tương tự, ở hàng cá, sau khi làm sạch, người bán đựng cá vào một chiếc túi ni lông rồi thêm một lớp túi ni lông khác cho sạch sẽ. Tính sơ mỗi buổi chợ, một gia đình đã đem về nhà ít nhất 6 túi ni lông khó có khả năng tái sử dụng. Chưa kể các hoạt động mua sắm khác như mua quần áo, đồ dùng gia đình, nhu yếu phẩm… Tất cả đều được đựng bằng túi ni lông.
Trào lưu dùng lá chuối thay túi ni lông đựng thực phẩm được các siêu thị và người tiêu dùng hưởng ứng khá rầm rộ. Chỉ trong thời gian ngắn, việc làm này đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa ý thức chung tay bảo vệ môi trường. Mỗi một bó rau, hành, ngò gói bằng lá chuối tức là môi trường sẽ đỡ phải hứng chịu một vài chiếc túi ni lông. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn rác thải nhựa và ni lông thải ra môi trường. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xếp hạng 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới, đứng thứ 4 châu Á về phát sinh rác thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Vì vậy, việc bó rau bằng lá chuối  hiện chỉ như “muối bỏ bể” hay “dã tràng xe cát” nếu bản thân mỗi người không hình thành ý thức hạn chế sử dụng, thậm chí là nói không với túi ni lông.
Nhiều nơi đã làm, từng làm và đang khuyến khích sử dụng giỏ nhựa để đi chợ, dùng túi giấy, vải để đựng thay cho túi ni lông; tận dụng và tái sử dụng túi sạch có khả năng tự phân hủy… Đó là những việc làm tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, nếu mọi người cùng nhau thực hiện thì sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống hiện tại và cho cả mai sau.
 KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.