Chuyện ít biết về xưởng quân khí Hoàng Hoa Thám trên đất Cửu An

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và chỉ hoạt động thời gian ngắn nhưng Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám (xã Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân địa phương.

Dấu tích thời gian

Được cán bộ văn hóa xã Cửu An giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Thung ở thôn An Điền Bắc. Mặc dù hơn 100 tuổi nhưng ông Thung vẫn rất minh mẫn. Nghe chúng tôi hỏi về Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám, ông Thung chậm rãi kể: Xưởng được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám. Nghe nói trước đó, xưởng đặt ở Quy Nhơn (Bình Định) do ông Giáp Văn Cương (Đô đốc đầu tiên của Hải quân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) là công nhân cứu quốc hỏa xa đã tập hợp một số công nhân cơ khí đường sắt, xưởng công chính, nhà đèn tổ chức sửa chữa súng hỏng và sản xuất lựu đạn.

 

 Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám (xã Cửu An, thị xã An Khê) được xây dựng ở khu vực Núi Đất. Ảnh: An Phát
Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám (xã Cửu An, thị xã An Khê) được xây dựng ở khu vực Núi Đất. Ảnh: An Phát


Khi dời tới Cửu An, xưởng mang tên Hoàng Hoa Thám và nằm ở khu vực núi Đất có rừng già bao quanh, che chở. Trong thời gian hoạt động, xưởng thu hút nhiều thanh niên địa phương làm công nhân; bà con cung cấp lương thực thực phẩm, than củi cho xưởng. Năm 1947, thực dân Pháp liên tục mở các cuộc càn quét đánh phá xóm làng, buộc toàn bộ cán bộ, công nhân phải di tản để đảm bảo an toàn. Nhiều súng ống, đạn dược được mang theo, bổ sung cho các đơn vị bộ đội. Một số máy móc và vật liệu liên quan để lại đã bị thực dân Pháp đốt phá tan hoang. “Mặc dù hoạt động trong thời gian ngắn nhưng Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám đã để lại ấn tượng khó quên trong lòng người dân địa phương”-ông Thung bộc bạch.

Theo thời gian, khu vực núi Đất ngày nay đã được phủ lên màu xanh mướt của rừng keo, xung quanh hình thành cụm dân cư đông đúc. Những ngôi nhà san sát, yên bình tựa lưng vào núi, nhìn ra con đường bê tông uốn lượn phẳng lì. Chỉ tay về phía rừng keo, anh Bùi Minh Chánh cho biết: Anh quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Năm 1954, cha của anh là ông Bùi Bộ lên Cửu An khai hoang, lập nghiệp dưới chân núi Đất. Thời điểm đó, trên đỉnh núi có nhiều sắt thép, máy móc nằm ngổn ngang. Có những tấm thép to dài như tấm phản, cục sắt nặng vài tạ. Bà con trong vùng đến cưa, cắt lấy dần, vài năm thì hết.

“Thấy đế sắt to dày, ba tôi lấy làm hòn đe để tiện sửa chữa dụng cụ lao động. Trong quá trình khai hoang, sản xuất, gia đình từng phát hiện thêm 1 hầm chứa nhiều vỏ đạn bằng đồng, xếp lớp gọn gàng. Số vỏ đạn để mãi không sử dụng vào việc gì nên ba tôi đã bán đồng nát. Năm 2021, cán bộ Bảo tàng tỉnh, UBND xã vận động, tôi đã tặng đế sắt cho địa phương. Hiện đế sắt được bảo quản tại nhà văn hóa thôn An Điền Bắc. Và trong rừng keo vẫn còn 5 trụ bê tông rất chắc chắn, nổi lên mặt đất, dấu tích xưởng sửa chữa vũ khí khi xưa”-anh Chánh chia sẻ.

Cách nhà anh Chánh không xa, gia đình ông Nguyễn Thanh trong quá trình đào giếng cũng tìm thấy ống sắt dài hơn 1 m, một đầu xòe rộng như hình phễu, đầu kia tròn đều và một số bánh răng sắt loại nhỏ. Những bánh răng sau đó rỉ sét, mục nát, ông vứt bỏ còn ống sắt được cất giữ. Ông Thanh cho hay: “Năm 1985, tôi tìm thấy ống sắt và gìn giữ từ đó đến nay. Biết ống sắt liên quan đến Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám, người bảo là ống bễ thổi lửa, lại có người nói ống dẫn khói”.

Tự hào truyền thống

Ông Lê Xuân Tiễn (tổ 2, phường Tây Sơn) kể: Cha của ông (ông Lê Mè) là một trong hàng chục công nhân làm việc trong Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám thời đó. Hàng ngày, ông Mè lau chùi cẩn thận từng khẩu súng, viên đạn, bỏ vào kho bảo quản; thổi lửa đốt lò để đúc vỏ bom, đạn… “Một lần, quả bom mới chế tạo phát nổ làm bị thương nhiều người. Ba tôi bị thương ở chân, được đưa ra Thừa Thiên-Huế chữa trị. Sau đó, ông trở về địa phương tiếp tục tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với những công lao đóng góp cho quê hương đất nước, ba tôi được Đảng và Nhà nước tặng nhiều huân-huy chương cao quý”-ông Tiễn nói.

Đế sắt của Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám được trưng bày tại nhà văn hóa thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: An Phát
Đế sắt của Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám được trưng bày tại nhà văn hóa thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: An Phát


Ông Tiễn cho biết thêm, hàng năm, vào dịp lễ, Tết, ông thường đưa con cháu đến tham quan các di tích lịch sử trên quê hương An Khê, trong đó có Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám. Từ đó, giáo dục thế hệ trẻ biết trân trọng, ghi ơn, tự hào về truyền thống cha ông, cố gắng học tập, công tác tốt để trở thành người có ích cho xã hội.

Tại buổi họp thôn hoặc các buổi trò chuyện, anh Đặng Hoàng Sinh-Bí thư Đoàn xã Cửu An thường được các ông bà, chú bác kể nhiều về Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám. “Chúng tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Cửu An anh hùng, giàu truyền thống cách mạng. Cùng với việc chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di tích, đoàn viên, thanh niên Cửu An luôn nỗ lực hết mình, đem tất cả tinh thần, trí tuệ, lòng nhiệt huyết viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương”-anh Sinh khẳng định.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Công-Bí thư Đảng ủy xã Cửu An-thông tin: “Thời gian tới, xã sẽ đề xuất lãnh đạo thị xã bổ sung địa điểm Xưởng sửa chữa và chế tạo vũ khí Hoàng Hoa Thám vào danh mục các di tích trên địa bàn nhằm có hướng bảo tồn và phát huy. Những hiện vật người dân phát hiện, tìm thấy, chúng tôi sẽ vận động bà con hiến tặng để trưng bày, giới thiệu cho nhiều người cùng biết. Bên cạnh đó, xã vận động các hộ dân đang trồng trọt tại khu vực núi Đất không làm biến dạng, xâm phạm dấu tích còn lại của xưởng nhằm phục vụ việc giới thiệu tới du khách gần xa”.

 

AN PHÁT

 

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

Điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt điều chỉnh Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 12-11-2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Kông Chro thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.