Chuyện trên đường di tản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa đến thăm anh Đặng Thành Nhơn (thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai)-một trong những người trong “đoàn quân” di tản từ Gia Lai về Bình Định hồi tháng 3-1975. Trong rộng dài câu chuyện, chúng tôi cùng nhắc nhớ về những ngày gian khó nhưng đượm nghĩa tình này. 
1. Tôi nhớ, hôm đó là trưa 20-3-1975, đèo An Khê bị kẹt đường. Từng đoàn người lũ lượt xé đường rừng kéo nhau di tản từ An Khê về hướng thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Trong đoàn người ấy, tôi gặp một cậu bé vai mang chiếc tráp, tay cầm cây gậy dắt một người đàn ông khoảng ngoài 60 tuổi, bị mù đôi mắt. Cậu nói, mình tên Đặng Thành Nhơn, sinh năm 1967, sống với ông ngoại là Huỳnh Văn Nui ở thôn Tân Phong, xã Song Tân, quận An Túc (nay là xã Tân An, huyện Đak Pơ-N.V). Hai ông cháu theo đoàn người tản cư để về nhà người thân ở Quy Nhơn. 
Lúc chúng tôi đi qua khỏi sông Ba vào rừng thì trời sập tối. Ánh trăng len những tia sáng rọi xuống tán rừng, đoàn người lầm lũi đi trong đêm. Sau hơn 1 ngày đêm, nhìn sang, tôi thấy ông Nui mặt mũi phờ phạc, đôi chân đầy thương tích. Đến đoạn leo dốc đá lởm chởm, một người thanh niên trong đoàn ghé vai cõng ông. Khi vượt dòng Đak Ha Way, nước lên tới ngực, tôi biết ông Nui không thể nào đi được nên vội xốc ông lên lưng cõng qua.
Còn nhớ, lúc xuất phát, có người nói, chỉ qua 1 đêm là tới Phú Phong. Không ngờ qua 3 ngày đêm xuyên rừng, những bước chân mất ngủ cứ như bước lưng chừng trên không. Trước mặt chỉ là rừng núi. Dốc đá cheo leo, muốn trèo qua phải bám vào những sợi dây rừng và rễ cây cổ thụ để vượt. Ông ngoại Nhơn khó khăn lắm mới trèo lên được giữa chừng thì không may tuột tay và rơi xuống. Cuối cùng, ông cũng được 1 người cố gắng cõng lên.
Ngồi lại trên bãi đá, gương mặt ông bơ phờ, hơi thở dồn dập, miệng thều thào như thầm nói lời cảm ơn. Tôi lấy mấy đoạn lau non trong túi đút cho ông ăn. Ông cố hé môi thì cơn ho kéo dài ập đến, rũ rượi gục xuống bên đường. Khi mọi người xúm lại thì ông đã qua đời. Dẫu rất thương cảnh éo le của 2 ông cháu Nhơn, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục hành trình. Trong đoàn người lướt qua, ai đó ngoái đầu lại kéo tay Nhơn nhắc: “Bé, đi đi, ông chết rồi!”. Nhưng Nhơn vùng vằng cúi mặt buồn hiu nói: “Để ông nằm nghỉ chút, ông dậy cháu dẫn ông đi”.
2. Nhắc lại chuyện này, giọng anh Nhơn bất chợt chùng hẳn xuống. Anh hồi nhớ: Khi đó là đêm, rừng lạnh vắng. Anh phần thì thương ông, phần thì vừa đói, vừa khát. Sau khi mò mẫm đi nhặt những hòn đá chất xung quanh người ông, anh nương theo ánh trăng xuyên qua tán rừng già, lần từng bước chân xuống dốc núi để tìm nước. Nghe xa xa có tiếng ếch nhái kêu, anh nghĩ đến đó sẽ có nước nên lao xuống tìm. Dưới ánh trăng lờ mờ, anh nhìn thấy một hố bom, trên miệng phủ đầy cỏ, lá. Cơn khát thôi thúc, anh Nhơn dò lần bước tới, không ngờ sẩy chân rơi xuống hố sâu. Loay hoay một hồi lâu, anh cố sức đu mình trên một rễ cây chìa ra mặt nước, cố la thật to mong có ai đó đến cứu nhưng đành vô vọng. Trời bắt đầu hé sáng, tiếng kêu cứu của anh yếu ớt dần.
Lúc này, trên đường mòn, anh Ba Tươm (Đinh Tươm-Xã đội trưởng xã Vĩnh An, Tây Sơn, Bình Định) dẫn tổ du kích tuần tra đi qua, bỗng nghe tiếng kêu dưới hố bom. Một anh dân quân chìa súng xuống định bắn. Anh Ba Tươm khỏa tay, vén lá nhìn xuống thấy một đứa bé, quần áo ướt nhẹp đang ngồi thu lu, mặt mày tái nhợt liền nói mọi người thả dây rừng đu xuống kéo anh Nhơn lên.
Mọi người cõng anh Nhơn về nhà, anh Ba Tươm nhờ bố vợ là ông Đinh Cong (người Bahnar) lúc đó là Bí thư Chi bộ làng Giọt 1, xã Vĩnh An chăm sóc. Từ ngày Nhơn về ở đây được sống vui vẻ cùng đám trẻ của làng. Hàng ngày theo bọn trẻ ra đồng cắt cỏ, chăn trâu, bò. Phần ông Cong, sau khi hỏi địa chỉ ở đâu, cha mẹ tên gì, ông đã viết nhiều lá thư gửi đi nhưng gần 2 năm trôi qua không nhận được hồi âm. Vậy là, ông Cong đến trường tiểu học xã Vĩnh An xin học cho anh Nhơn.
Trong lúc chờ nhập học thì anh Nhơn được má tìm đến đón về. Từ đó, cứ đến mùa làm rẫy trỉa lúa, anh Nhơn lại về thăm và ở lại nhà ông Cong cả tháng, xem đây như là nhà thứ 2 của mình. Khi ông Cong mất, anh Nhơn được chia một phần tài sản là 2 chiếc ghè, 1 con nghé và căn nhà sàn dài 6 m. Anh nhận nhưng giao toàn bộ tài sản lại cho anh Ba Tươm. 10 năm sau, anh Ba Tươm cũng mất vì bệnh. Cho đến bây giờ, năm nào cũng vậy, anh Nhơn vẫn đều đặn trở về làng Giọt 1.
Riêng về phần ông ngoại, mấy năm sau, anh Nhơn có dẫn họ hàng tìm đến chỗ cũ để lấy cốt về mai táng nhưng không tìm được. Con đường mòn năm xưa nay đã không còn dấu tích. 
3. Khi trở về Tân An sinh sống, anh Nhơn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, chăm chỉ làm việc, gầy dựng cuộc sống. Hiện nay, vợ chồng anh đã làm được căn nhà kiên cố, cuộc sống no đủ. Anh chị có 4 người con, 2 đứa đang học đại học, 2 đứa đang học phổ thông.
Trong suốt câu chuyện của chúng tôi, anh Nhơn nhiều lần cảm ơn những ân nhân đã cưu mang, giúp đỡ ông cháu mình. Riết rồi anh nói: “Nếu ngày đó không có chú Ba Tươm, ông Đinh Cong thì có lẽ giờ này em đã không còn ngồi đây rồi...”. 
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.