Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh Gia Lai đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích thường xuyên bị hạn hay kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

Trồng trọt là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp tỉnh. Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt năm 2022 đạt hơn 27.012 tỷ đồng, chiếm 79,86% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Điểm sáng trong tổ chức sản xuất trồng trọt những năm qua là việc chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực. Theo đó, giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 4.713 ha đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường; chuyển đổi khoảng 36.869 ha cây trồng kém hiệu quả như cao su, mía, mì, hồ tiêu, cà phê, điều… sang trồng khoai lang Nhật, khoai tây, rau, đậu đỗ các loại, cây ăn quả, cây dược liệu và ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi và phát triển hạ tầng, xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo...

Anh Klil (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) thu hoạch đậu cô ve. Ảnh: L.N

Anh Klil (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku) thu hoạch đậu cô ve. Ảnh: L.N

Giai đoạn 2016-2022, TP. Pleiku đã chuyển đổi hơn 637 ha lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau, hoa, bắp và đậu các loại. Nhiều mô hình cho thu nhập 100-200 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa nước. Anh Klil (làng Wâu, xã Chư Á) cho hay: Nhà anh có gần 1 ha đất ruộng, trước đây chỉ canh tác lúa vụ mùa, còn vụ Đông Xuân thì bỏ không do thiếu nước. “Năm 2016, để nâng cao thu nhập, tôi chuyển khoảng 1,4 sào đất sang trồng dưa leo. Vụ đó, trừ chi phí, tôi còn lãi hơn 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục chuyển thêm 7 sào đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu, chỉ để lại ít ruộng để làm lấy lúa ăn thôi. Rau củ quả có thể trồng quanh năm, nếu giá cả ổn định, mỗi năm, gia đình thu nhập 200-300 triệu đồng”-anh Klil chia sẻ.

Cũng chủ động chuyển đổi cây trồng, chị Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cho biết: Nhà chị có 2 ha đất trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nếu chăm sóc tốt, năng suất mía đạt 80 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư thì thu nhập chỉ tầm 40-50 triệu đồng/năm. Vì vậy, chị đã chuyển đổi hơn 1 sào đất mía sang trồng ớt. Cây ớt cho năng suất khoảng 2,5-3 tấn/sào, với giá bình quân 15.000-20.000 đồng/kg (có khi tăng lên 60.000-80.000 đồng/kg), trừ chi phí đầu tư, chị lãi 30-40 triệu đồng/sào/vụ. Năm 2019, chị chuyển đổi thêm 4 sào đất mía sang trồng khổ qua, đậu cô ve, dưa leo, dừa xiêm lùn, đu đủ. “Nếu như giá các loại rau củ quả ổn định, chỉ cần 5 sào đất mỗi năm cũng có thể thu được 150-200 triệu đồng, cao hơn 4-6 lần so với trồng mía”-chị Phương khẳng định.

Tại huyện Đak Đoa, ngoài chuyển diện tích lúa kém hiệu quả, người dân còn chuyển đổi những diện tích hồ tiêu, cà phê, cao su già cỗi, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Anh Lương Thế Hiếu (làng Krun, xã Hneng) cho biết: Năm 2022, gia đình anh chuyển đổi 6 ha cà phê đã già cỗi sang trồng chuối già Nam Mỹ. Mỗi héc ta chuối đầu tư hết khoảng 100 triệu đồng và chỉ 11 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha. “Cây chuối rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Đak Đoa. Gia đình có liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn để sản xuất. Công ty hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói đúng theo quy định của nước nhập khẩu. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình đạt lợi nhuận khoảng 150-200 triệu đồng/ha/năm”-anh Hiếu thông tin.

Tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp

Để khai thác, phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu, tận dụng tiềm năng, cơ hội thị trường; tổ chức lại sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh các sản phẩm cây trồng hàng hóa có thế mạnh của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, tỉnh phấn đấu chuyển đổi khoảng 58.560 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi và dành quỹ đất phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo...; nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 150-200 triệu đồng. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu chuyển đổi khoảng 17.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi và dành quỹ đất phát triển các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo...; nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi đạt khoảng 250 triệu đồng.

Mô hình trồng ớt được chị Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chuyển đổi trên diện tích mía kém hiệu quả. Ảnh: L.N

Mô hình trồng ớt được chị Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chuyển đổi trên diện tích mía kém hiệu quả. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Hiện nay, ngoài chuyển đổi cây trồng, người dân đã ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững trong quá trình sản xuất nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng cao. “Trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, huyện xác định nông nghiệp phát triển sản xuất theo hướng quy mô lớn, tập trung. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, đưa giống mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển công nghệ sau thu hoạch theo hướng hiện đại nhằm giảm tổn thất và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân”-ông Nguyễn Kim Anh cho hay.

Tương tự, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ Nguyễn Hiệp cho biết: Giai đoạn 2023-2025, huyện phấn đấu chuyển đổi khoảng 2.699 ha cây trồng kém hiệu quả (105 ha lúa, 2.282 ha mía, 312 ha mì); giai đoạn 2026-2030 chuyển đổi khoảng 750 ha cây trồng kém hiệu quả (50 ha lúa, 500 ha mía, 200 ha mì). Việc chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-thông tin: Những năm qua, ngành trồng trọt đã từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi…; gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Nhìn chung, các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 2-5 lần so với trước.

“Thời gian đến, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cần phải dựa trên nhu cầu thị trường và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương. Tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đầu tư chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn để nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng, lợi thế theo hướng chuyển dần từ xuất khẩu ủy thác, tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đồng thời, phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế”-ông Khải thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.