Kbang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, bà con nông dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đây cũng là một trong những kế hoạch dài hạn của địa phương nhằm hiện thực hóa đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030.

Những mô hình hay

Nhận thấy việc canh tác từ 2 ha mía cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, bà Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Đak Hlơ) đã chuyển dần một phần diện tích sang trồng các loại cây trồng khác. Ban đầu, bà trồng 1 sào ớt, thu nhập bình quân mỗi vụ (3 đợt) được hơn 3 tấn quả. Với giá bình quân 18-20.000 đồng/kg, bà thu lãi 40-45 triệu đồng. Đó là chưa kể thời điểm ớt được giá, có khi lên đến 65.000 đồng/kg. Sau đó, bà Phương đã mạnh dạn mở rộng thêm 1 sào trồng khổ qua và 1 sào trồng đậu cô ve, dưa leo.

Bà Phương nhẩm tính: Chỉ cần giá ổn định, mỗi năm bà thu về hơn 200 triệu đồng từ việc “trồng phụ, ăn chính” này. Còn với 1 ha mía, thu nhập cao nhất cũng chỉ tầm 40 triệu đồng/năm. Chính vì vậy, cuối năm 2019, bà Phương chuyển đổi 2 sào mía sang trồng 60 cây dừa xiêm lùn. Đầu năm nay, bà tiếp tục trồng thí điểm 55 cây đu đủ lùn cao sản Thái Lan.

Từ khi chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang trồng ớt, thu nhập của gia đình bà Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Đak Hlơ) ngày một tăng. Ảnh: M.N

Từ khi chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang trồng ớt, thu nhập của gia đình bà Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Đak Hlơ) ngày một tăng. Ảnh: M.N

Tương tự, ông Nguyễn Văn Phương (cùng thôn) cũng là một trong những người tiên phong chuyển đổi một số diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác. Từ hơn 4 ha trồng mía, ông đã dành 1 ha để chuyển hướng sang trồng ớt, đậu phộng, chanh dây, dừa, ổi, cam… Nhờ đó, gia đình ông có thêm thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Chưa kể, 600 cây dừa xiêm lùn đang cho quả mang lại cho gia đình một nguồn thu khá lớn. Thêm vào đó, với kế hoạch mở rộng thêm 4 sào trồng đậu phộng, tăng diện tích trồng ớt thì các khoản thu nhập này sẽ “bỏ xa” so với việc trồng mía.

Ông Phương cho hay: Trước đây, 4 ha mía cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Việc canh tác theo phương châm “mùa nào thức ấy” sẽ cho thu nhập ổn định xoay vòng quanh năm trong khi trồng mía lại không có được ưu điểm này.

Còn tại xã Tơ Tung, từ năm 2018 đến nay, một số hộ dân đã chuyển đổi một phần diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm cây củ nén (hành tăm) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá thu mua dao động từ 100.000 đồng đến 110.000 đồng/kg thì mỗi sào nén, người dân thu nhập khoảng 45 triệu đồng chỉ sau 6 tháng trồng và chăm sóc. Hiện người dân xã Tơ Tung trồng khoảng 15 ha nén.

Theo ông Trần Xuân Nam-Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, với giá bán như hiện nay, củ nén đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người trồng, góp phần đa dạng hóa cây trồng tại địa phương. Hiện UBND xã phối hợp với Hội Nông dân xã thành lập các tổ, nhóm chung sở thích để người dân có thể trao đổi kinh nghiệm trong việc canh tác loại cây trồng mới này.

Kế hoạch phát triển bền vững

Ông Bùi Phích-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ-cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 1.600 ha mía. Từ năm 2020 đến nay, người dân đã chuyển đổi 160 ha mía sang trồng các loại cây khác. “Việc đa dạng hóa cây trồng, đa dạng nguồn thu nhập đã giúp người dân từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để tận dụng quỹ đất, phát huy lợi thế cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao”-Chủ tịch UBND xã Đak Hlơ nhấn mạnh.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đak Hlơ (huyện Kbang) chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đak Hlơ (huyện Kbang) chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Năm 2023, huyện tập trung vận động thực hiện kế hoạch chuyển đổi hơn 30 ha tại các xã: Tơ Tung, Kông Pla và Kông Lơng Khơng. Còn theo kế hoạch đến năm 2025, huyện phấn đấu chuyển đổi khoảng 2.917 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác. Mục tiêu hướng đến là giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 150-200 triệu đồng/ha đất thực hiện chuyển đổi; đồng thời, hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất giống cây trồng đáp ứng đủ nhu cầu cây giống tốt phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển sản xuất của người dân trên địa bàn.

Riêng giai đoạn 2026-2030, huyện phấn đấu chuyển đổi khoảng 875 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất rau, cây ăn quả, cây dược liệu, cây làm thức ăn cho chăn nuôi, cây trồng khác.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết thêm: Cùng với việc chuyển đổi cây trồng thì đầu ra cho sản phẩm cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Huyện ưu tiên bố trí đất đủ lớn phù hợp để thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản và phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

“Ngoài việc lồng ghép triển khai các đề án, chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, huyện sẽ tăng cường các hoạt động kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm; xây dựng và hình thành chuỗi cung ứng bền vững kết nối sản xuất, phân phối sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng, nhất là thị trường tiềm năng như: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, giúp người dân từng bước phát triển sản xuất bền vững”-ông Tình nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.