Chư Pưh gặp khó trong thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù ngành chức năng huyện Chư Pưh đã có nhiều nỗ lực trong việc thu ngân sách nhà nước trên địa bàn nhưng đến nay, kết quả đạt được rất hạn chế. Nếu không có những giải pháp đột phá trong thời gian tới, địa phương này sẽ rất khó hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.

Để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (36,2 tỷ đồng) theo dự toán tỉnh giao, ngay từ đầu năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Chư Pưh đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác này. Theo đó, huyện đã phân bổ chỉ tiêu thu ngân sách cho tất cả các xã, thị trấn, các ngành chuyên môn để triển khai thực hiện; đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thuế huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, ngành chức năng có phương án thu thuế, quản lý nguồn thu, hạn chế các khoản nợ đọng, đôn đốc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc kê khai và nộp thuế theo quy định.


 

Huyện Chư Pưh sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nếu ngành Thuế không có những giải pháp đột phá trong thời gian tới. Ảnh: Q.T
Huyện Chư Pưh sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nếu ngành Thuế không có những giải pháp đột phá trong thời gian tới. Ảnh: Q.T

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện mới được gần 7,5 tỷ đồng, đạt 20,5% dự toán tỉnh giao và gần 17% dự toán HĐND huyện giao. Trong đó, nhiều khoản thu chủ lực của huyện trong những năm qua đều không đạt, thậm chí đạt rất thấp so với dự toán. Cụ thể, nguồn thu từ tiền sử dụng đất đến nay mới được 683 triệu đồng, đạt 3% dự toán tỉnh giao và bằng 2,3% dự toán HĐND huyện giao; thu thuế thu nhập cá nhân được hơn 1 tỷ đồng, đạt 27,1% dự toán tỉnh và HĐND huyện giao; lệ phí trước bạ thu được 673 triệu đồng, đạt 24% dự toán tỉnh giao và đạt 23,2% dự toán HĐND huyện giao…

Theo ông Nguyễn Khắc Hợi-Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Chư Pưh, nguyên nhân chính dẫn đến tình hình thu thuế trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay gặp khó là do tình hình cây hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt và giá cả xuống thấp. “Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của huyện, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, giá hồ tiêu giảm sâu, cây chết trên diện rộng đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân, thậm chí nhiều hộ phải bỏ đi nơi khác làm ăn để lấy tiền trả lãi, nợ ngân hàng. Điều này dẫn đến sức mua của người dân giảm, thu thuế theo đó cũng giảm mạnh. Mặt khác, thu nhập giảm sút nên tình hình mua bán, sang nhượng đất của người dân trên địa bàn cũng không mấy khả quan, ảnh hưởng đến các khoản thu như thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ… Đặc biệt, khoản thu từ tiền sử dụng đất (thu từ đấu giá đất) chiếm hơn 63% tổng thu dự toán tỉnh giao nhưng đến nay chưa có người đăng ký tham gia đấu giá đất dù huyện đã có thông báo. Nguyên nhân là do người dân khó khăn về kinh tế”-ông Hợi thông tin.

 Đề cập đến các giải pháp trọng tâm để tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện trong thời gian tới, ông Hợi cho biết: Chi cục Thuế sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh trên địa bàn; quản lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải theo đề án của Cục Thuế tỉnh; quản lý thu thuế xây dựng cơ bản hộ tư nhân, quản lý thu thuế vãng lai 2%; phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh kiểm tra tình hình sử dụng đất nông nghiệp trái phép trong nhân dân để yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm tăng nguồn thu. Đồng thời, Chi cục sẽ tham mưu UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương hoàn chỉnh xây dựng và đưa vào đấu giá 2 chợ tại xã Ia Le và Ia Hla trong quý III-2019. Đặc biệt, kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng chợ trung tâm thị trấn Nhơn Hòa; tiếp tục thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai đấu giá các lô đất còn lại...

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.