Chư Pưh gặp khó trong phát triển sản phẩm OCOP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Không chỉ gặp khó trong việc vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã hết thời hạn chứng nhận, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) còn đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển sản phẩm mới.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ) là một trong những đơn vị tiên phong của huyện Chư Pưh tham gia Chương trình OCOP. Năm 2019, sản phẩm sầu riêng Đại Ngàn của HTX được UBND tỉnh công nhận OCOP 3 sao. Các năm 2020 và 2021, HTX tiếp tục có thêm 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: bơ booth, bưởi, cam, na Thái.

Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn-cho biết: Các sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến và tin dùng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra cả nước. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, sản phẩm OCOP của HTX những năm gần đây khó tiêu thụ hơn. Do đó, HTX không có kinh phí để tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm hết thời hạn chứng nhận cũng như phát triển thêm sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, thu nhập từ một số cây trồng giảm mạnh do giá xuống thấp, nhất là bơ booth nên nhiều hộ dân đã chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Ngoài ra, ngành chức năng và chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục dẫn đến việc HTX mất nhiều thời gian. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ rất thấp, HTX phải bỏ tiền túi ra để làm.

Giá bơ booth những năm qua xuống rất thấp, khó tiêu thụ nên nhiều người dân ở huyện Chư Pưh đã chặt bỏ chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: Q.T

Giá bơ booth những năm qua xuống rất thấp, khó tiêu thụ nên nhiều người dân ở huyện Chư Pưh đã chặt bỏ chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: Q.T

Tương tự, dù 2 sản phẩm nấm linh chi đỏ và nấm bào ngư xám đã hết hạn chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh nhưng HTX Nông nghiệp 81 (thị trấn Nhơn Hòa) cũng không mặn mà với việc hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng lại.

Ông Đoàn Công Tiến-Giám đốc HTX-cho hay: “Các sản phẩm của HTX chưa đủ để đánh giá nâng hạng lên 4 sao, còn công nhận lại 3 sao thì tôi không mặn mà lắm vì thủ tục rườm rà. Để hoàn chỉnh một hồ sơ đánh giá lại sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian, trong khi công việc của tôi rất bận rộn. Mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ HTX một phần về mặt thủ tục pháp lý nhằm giảm bớt thời gian thực hiện”.

Dù sản phẩm nấm linh chi đỏ đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 đã hết thời hạn chứng nhận nhưng anh Đoàn Công Tiến vẫn chưa quan tâm làm hồ sơ đăng ký, đánh giá lại. Ảnh: Q.T

Dù sản phẩm nấm linh chi đỏ đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 đã hết thời hạn chứng nhận nhưng anh Đoàn Công Tiến vẫn chưa quan tâm làm hồ sơ đăng ký, đánh giá lại. Ảnh: Q.T

Theo quy định, sau 36 tháng kể từ ngày được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, các chủ thể phải tiến hành đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm.

Trường hợp không thực hiện thì các chủ thể không được sử dụng giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận và không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP) để in, dán trên bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Nói về những khó khăn của địa phương trong phát triển sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Hữu Dương-Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa-thông tin: “Những năm qua, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm OCOP của địa phương gặp khó.

Bên cạnh đó, theo quy định mới về việc phát triển sản phẩm OCOP ở khu vực đô thị thì các chủ thể không được hỗ trợ kinh phí thực hiện mà chỉ hỗ trợ về mặt giấy tờ pháp lý, trong khi chi phí thực hiện khá lớn.

Do đó, việc vận động các chủ thể có sản phẩm OCOP hết hạn chứng nhận làm hồ sơ đăng ký đánh giá lại cũng đã rất khó chứ chưa nói đến chuyện phát triển thêm sản phẩm mới. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá lại sản phẩm OCOP đã hết hạn chứng nhận”.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Phạm Văn Thùy, năm 2023, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, trong năm, huyện không có sản phẩm mới nào đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, cũng không có sản phẩm đánh giá, phân hạng lại.

“Toàn huyện có 22 sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh, trong đó, 12 sản phẩm đã hết hạn chứng nhận. Tuy nhiên, đến nay, chưa có chủ thể nào làm hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm.

Trong thời gian tới, bên cạnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm cũng như phát triển sản phẩm OCOP mới, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn công chức quản lý cấp xã và các chủ thể hiểu rõ về nội dung hồ sơ theo tiêu chí quy định để thực hiện; giới thiệu đơn vị tư vấn dịch vụ hướng dẫn làm các hồ sơ sản phẩm cho chủ thể; chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương”-ông Thùy thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.