Chư Pưh chủ động phòng ngừa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, lực lượng Kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Chư Pưh chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Huyện Chư Pưh có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp hơn 20.924 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 10.147,9 ha (rừng tự nhiên 9.421,5 ha, rừng trồng 726,4 ha), diện tích đất chưa có rừng 10.776,3 ha. Diện tích rừng phân bổ tại 6 xã: Ia Hla, Ia Hrú, Ia Phang, Ia Le, Ia Blứ và Chư Don. Qua đánh giá của lực lượng chức năng và các đơn vị chủ rừng, mùa khô 2023-2024, huyện Chư Pưh có 5 vùng trọng điểm cháy với tổng diện tích hơn 10.259 ha thuộc quản lý của UBND các xã: Chư Don, Ia Hla, Ia Blứ, Ia Hrú, Ia Le, Ia Phang và Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long. Đặc điểm các khu vực trọng điểm cháy là rừng trồng, rừng trồng chưa thành rừng, rừng tự nhiên có vật liệu cháy nhiều (cỏ khô, cây bụi, lau lách) và gần nương rẫy canh tác của người dân.

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn quản lý hơn 6.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh. Qua rà soát, 20 ha tại xã Ia Ko và 7 ha tại xã Ia Hla thuộc diện dễ xảy ra cháy.

Ông Nguyễn Văn Tường-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn-cho biết: Để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, Ban đã triển khai ký cam kết sử dụng an toàn lửa rừng với gần 100 hộ dân sống gần rừng và có nương rẫy gần rừng; làm 4,2 km đường ranh cản lửa tại khu vực rừng thông trồng; ký cam kết về quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR với UBND các xã có diện tích rừng mà Ban đang quản lý; chuẩn bị phương tiện chữa cháy, lực lượng khoảng 60 người để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, để đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, Ban đã triển khai hợp đồng giao khoán với 2 nhóm hộ và 1 cộng đồng (làng Tai Pêr, xã Ia Hla) với diện tích hơn 200 ha; cắm biển cảnh báo cháy rừng tại các cửa rừng, bìa rừng, nhà văn hóa các thôn, làng.

Cộng đồng làng Tai Pêr (xã Ia Hla) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: L.N

Cộng đồng làng Tai Pêr (xã Ia Hla) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: L.N

“Vào mùa khô, cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên Ban đã tiến hành xây dựng phương án PCCCR, thành lập tổ bảo vệ rừng, tổ PCCCR và xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng, ký cam kết với các hộ sống gần rừng trong việc sử dụng an toàn lửa rừng; phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm cháy; tăng cường tuần tra, canh gác lửa rừng để xử lý kịp thời khi mới phát sinh”-ông Tường thông tin thêm.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Quang Thịnh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh-cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, Hạt đã chủ động tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện; ban hành kế hoạch PCCCR mùa khô 2023-2024; ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã có rừng củng cố, kiện toàn ban chỉ huy PCCCR cấp xã. Bên cạnh đó, các đơn vị đã phân công lực lượng trực, tuần tra, kiểm tra rừng, hướng dẫn các hộ dân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, ngăn chặn không để cháy lan vào rừng. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu chữa khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng tham gia diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2023. Ảnh: L.N

Lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng tham gia diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2023. Ảnh: L.N

Tuy vậy, theo ông Thịnh, việc phòng-chống cháy rừng còn gặp khó khăn. Bởi lẽ, diện tích có rừng trên địa bàn không tập trung, địa hình phức tạp, chủ yếu là rừng khộp xen kẽ với nương rẫy của người dân. Vào mùa khô, việc phát đốt nương rẫy khá phổ biến là nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy rừng; ý thức về công tác PCCCR và an toàn lửa rừng của người dân chưa cao. Người dân còn chủ quan trong việc đốt lửa bắt ong, săn chuột trong rừng nên rất dễ xảy ra cháy rừng…

“Để công tác PCCCR hiệu quả, các đơn vị chủ rừng cần tập trung tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng lửa trong rừng, gần rừng cho người dân. Các đơn vị cũng đã xây dựng lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khoảng 760 người; 20 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR tại các thôn, làng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng; 546 xe máy các loại; 7 xe ô tô; 65 xe công nông, máy cày; 21 máy bơm nước; 20 máy cắt cỏ; hơn 800 bàn dập lửa, cuốc, xẻng, rựa; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng mang nguồn lửa vào rừng; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, thông báo huy động lực lượng dập tắt đám cháy khi mới phát sinh…

Ngoài ra, UBND huyện Chư Pưh và UBND huyện Ea H’leo (tỉnh Đak Lak) đã ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản và đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, Chư Pưh chưa xảy ra cháy rừng”-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy thăm, chúc Tết các gia đình người có công tiêu biểu

(GLO)- Ngày 15-1, đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Thanh Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà các gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, người có công tiêu biểu tại các huyện: Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.