Chư Pah: Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chư Pah lần thứ V đặt ra là tập trung hỗ trợ nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tập trung tái canh cà phê

Chúng tôi đến thăm vườn cà phê tái canh của ông Khê (dân tộc Xê Đăng, ở làng Ia Hlũ, xã Nghĩa Hưng) vào buổi chiều muộn. Hai sào cà phê tái canh của gia đình ông Khê được huyện hỗ trợ giống đến giờ đã cho thu hoạch. Nhìn những chùm cà phê chín đỏ, ông Khê cười tươi nói: “Trước đây, diện tích đất này gia đình tôi trồng giống cà phê mít nên sản lượng đạt thấp. Năm 2014, gia đình tôi được huyện hỗ trợ giống cà phê robusta chất lượng để tái canh, năng suất cao hơn hẳn so với giống cà phê mít”. Giống như gia đình ông Khê, cách đây 3 năm, ông Nguyễn Hữu Long (thôn 5, xã Nghĩa Hưng) cũng được huyện hỗ trợ giống để tái canh 200 gốc cà phê. Ông Long cho biết: “Cây cà phê trồng tái canh chưa được 3 năm đã cho thu hoạch, tôi mừng lắm!”.

 

Ông Khê (làng Ia Hlũ, xã Nghĩa Hưng) bên vườn cà phê tái canh. Ảnh. Đ.Y
Ông Khê (làng Ia Hlũ, xã Nghĩa Hưng) bên vườn cà phê tái canh. Ảnh. Đ.Y

Ông Nguyễn Văn Dư-cán bộ Nông nghiệp xã Nghĩa Hưng, cho biết: Việc hỗ trợ giống cho người dân tái canh cà phê thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống, sản xuất của người dân. Thời gian qua, việc tái canh cà phê được xã xác định là nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh hỗ trợ giống mới, việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất cũng được người dân chủ động thực hiện.

Có thể nói, việc hỗ trợ giống cho người dân tái canh cây cà phê ở những diện tích già cỗi, năng suất thấp và triển khai những mô hình điểm để bà con nông dân tự học lẫn nhau là một “cú hích” quan trọng giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện Chư Pah.

 

Hiện nay, toàn huyện Chư Pah có hơn 24.000 ha cây trồng các loại, trong đó cà phê trên 8.000 ha, hồ tiêu hơn 200 ha, cao su 1.082 ha và bời lời 2.407 ha (chưa kể trên 7.000 ha cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah).

Xác định cây công nghiệp là thế mạnh

Những năm qua, huyện Chư Pah đã tập trung đầu tư phát triển những cây trồng chủ lực, như: cà phê, hồ tiêu, cao su... Tuy nhiên, do địa hình của huyện tương đối phức tạp, nhiều xã chưa có công trình thủy lợi nên việc tìm cây trồng phù hợp cũng là bài toàn khó cho huyện. Song việc tập trung hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh từng vùng bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đối với những xã có lợi thế về phát triển sản xuất cà phê, tiêu, cao su như Nghĩa Hưng, Hòa Phú, Ia Ka, Ia Mơ Nông, huyện đã tập trung đầu tư hỗ trợ cho bà con  chuyển đổi giống chất lượng nhằm nâng cao thu nhập. Đối với những địa bàn có thế mạnh về sản xuất cây ngắn ngày: lúa nước, bí đỏ, dong giềng như Chư Đăng Ya, Chư Jôr, Ia Ly... huyện sẽ tổ chức hội thảo hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất.

Trao đổi với P.V, ông Nê Y Kiên-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết: Mỗi vùng ở Chư Pah lại có một thế mạnh cây trồng khác nhau. Vì vậy, huyện xác định vùng nào phù hợp với cây trồng nào thì tập trung hỗ trợ cho người dân. Trên thực tế, huyện xác định cây công nghiệp là cây thế mạnh, nhưng những vùng phù hợp với cây ngắn ngày huyện vẫn chú trọng đầu tư. Hiện nay, huyện đang tập trung đẩy mạnh hỗ trợ giống cà phê mới để bà con tái canh. Trước đây, người dân trồng cà phê theo phong trào nhưng chưa đánh giá được vai trò của giống. Bởi vậy, huyện không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất mà tập trung vào việc tái canh cây cà phê. Trong năm 2015, huyện đã hỗ trợ hàng tỷ đồng mua giống cà phê chất lượng để hỗ trợ cho nông dân. Năm 2016, huyện cũng đã hỗ trợ giống cho nông dân trồng tái canh được trên 100 ha cà phê.

Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng đang giúp huyện Chư Pah dần hình thành được một nền sản xuất nông nghiệp vững mạnh với các loại cây công nghiệp dài ngày. Qua đó, hàng ngàn nông dân trên địa bàn huyện đã có cuộc sống ấm no; bộ mặt nông thôn của huyện cũng đang đổi thay từng ngày.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.