(GLO)- Chiều 10-6, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến 17 huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Dự và chủ trì hội nghị có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các giải pháp phòng-chống, ứng phó, khắc phục thiên tai của các cấp, các ngành đã mang lại hiệu quả. Trước các đợt mưa lũ, UBND tỉnh đã ban hành các công điện hỏa tốc, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”. UBND các cấp, các sở, ban, ngành, các hội, đoàn thể, cộng đồng đã tích cực tham gia công tác phòng-chống thiên tai với nhiều hình thức, góp phần giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất sau thiên tai... Tuy nhiên, khi xảy ra thiên tai, trên địa bàn tỉnh vẫn còn gây thiệt hại về người và tài sản. Cụ thể, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 43 tỷ đồng và làm 6 người chết. Trong đó, thiệt hại trong năm 2018 gần 25,9 tỷ đồng, 5 người chết; thiệt hại trong 5 tháng đầu năm 2019 hơn 17,1 tỷ đồng, 1 người chết.
Quang cảnh Hội nghị taị điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đánh giá cao trách nhiệm của các sở, ngành, các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ, triển khai các giải pháp ứng phó khi thiên tai xảy ra nên đã hạn chế thiệt hại gây ra. Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường và cực đoan của thời tiết năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Phòng chống thiên tai và quán triệt thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18-6-2018 của Chính phủ về công tác phòng-chống thiên tai; củng cố, kiện toàn, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; tiếp tục và hoàn thiện xây dựng kế hoạch PCTT và TKCN các cấp; tổ chức rà soát bổ sung phương án, kế hoạch chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng với phương châm "4 tại chỗ" cho sát với thực tế, sãng sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra; tiếp tục thực hiện di dời dân cư vùng ven sông, suối thường xuyên bị ngập, vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa để người dân sẵn sàng và tự ứng phó. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ hồ đập, thủy lợi, thuỷ điện thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định. Giám sát chặt chẽ việc vận hành xả lũ các hồ chứa thuỷ điện, thủy lợi và xây dựng quy chế phối hợp khu vực hạ du trong vận hành xả lũ. Khi xảy ra thiên tai phải tổ chức công tác khắc phục hậu quả, tổng hợp báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại. Đồng thời, tổ chức diễn tập phương án ứng phó, sơ tán dân vùng hạ du các thủy điện lớn theo các kịch bản trong phương án phòng-chống lũ lụt vùng hạ du đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chủ động phòng, tránh và ứng phó với thiên tai theo phương châm “phòng ngừa là chính”… góp phần không để thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Lê Nam