Chủ động sản xuất vụ mùa thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Dự báo tình hình nắng nóng và khô hạn kéo dài nên ngành nông nghiệp, địa phương, người dân và doanh nghiệp cần chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh thời vụ cho phù hợp để tổ chức sản xuất vụ mùa hiệu quả.

Nắng nóng và khô hạn tiếp tục kéo dài

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia: Từ tháng 5 đến tháng 7-2024 số đợt nắng nóng ở khu vực Tây Nguyên 3-4 đợt. Mưa xuất hiện từ nửa đầu tháng 5-2024, trong đó tổng lượng mưa tháng 5-2024 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 10-30%; tháng 6-2024, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN; từ tháng 7 đến tháng 9-2024 tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 5-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Nguồn nước trên các lưu vực sông và hồ chứa ở khu vực Tây Nguyên ở mức thấp hơn 15-55% so với TBNN. Cảnh báo tình trạng hạn hán ở khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục đến nửa đầu tháng 5-2024, sau đó có khả năng giảm dần; riêng phía Nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn từ giữa tháng 5-2024.

Nhiều hộ dân ở thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đak đang chắt chiu từng giọt nước để hy vọng cầm cự vườn cà phê chờ mưa. Ảnh: Lê Nam

Nhiều hộ dân ở thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đak đang chắt chiu từng giọt nước để hy vọng cầm cự vườn cà phê chờ mưa. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên): Mùa mưa năm 2024 ở Gia Lai sẽ đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm 15-20 ngày.

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết mùa mưa sẽ đến muộn hơn so với TBNN 15-20 ngày. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho biết mùa mưa sẽ đến muộn hơn so với TBNN 15-20 ngày. Ảnh: Lê Nam

Cụ thể, ở các khu vực phía Trung tâm tỉnh và phía Tây mùa mưa sẽ bắt đầu từ tháng 5; khu vực phía Đông và Đông Nam nửa cuối tháng 5 mới bắt đầu có mưa. Tuy nhiên, lượng mưa sẽ giảm so với trung bình nhiều năm. Từ nay đến giữa tháng 5, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện 3-5 đợt nắng nóng kéo dài. Đầu tháng 6-2024, mưa sẽ tăng dần nhưng lượng mưa vẫn bị thâm hụt và gián đoạn 7-10 ngày nên rất nguy hiểm trong việc xuống giống vụ mùa. “Đặc biệt cũng cần phải lưu ý đó là trong những tháng mùa mưa (tháng 6 và 7), nhiều khả năng số ngày mưa sẽ bị gián đoạn (hạn bà chằn) nên khả năng thiếu nước tưới cho cây trồng trong những tháng đầu mùa mưa là rất lớn. Các ngành, địa phương, đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện cần xây dựng phương án cân đối nguồn nước để tích trữ, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh lịch thời vụ cho cây trồng và đảm bảo cung ứng điện sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, ở những vùng sản xuất cây ngắn ngày, chủ yếu dựa vào nước trời thì phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để gieo trồng nếu không sẽ bị hạn gây thiệt hại giống, công lao động”-ông Huấn nhấn mạnh.

Điều chỉnh thời gian xuống giống phù hợp

Theo kế hoạch vụ mùa 2024, toàn tỉnh gieo trồng 217.450 ha cây trồng các loại. Trong đó, 49.120 ha lúa, 34.500 ha bắp, 68.000 ha mì, 3.025 ha khoai lang, 17.600 ha đậu đỗ các loại, 20.500 ha rau các loại, 2.080 ha lạc, 2.300 ha mè, 1.430 ha mía trồng mới, 9.650 ha cây hàng năm khác và 2.780 ha tái canh cao su, 2.440 ha tái canh cà phê, 505 ha trồng mới và tái canh điều, 2.950 ha cây ăn quả trồng mới, 570 ha cây dược liệu, cây lâu năm khác.

Cơ sở sản xuất cây giống cà phê tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai chuẩn bị giống cà phê cho người dân trồng tái canh. Ảnh: Lê Nam

Cơ sở sản xuất cây giống cà phê tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai chuẩn bị giống cà phê cho người dân trồng tái canh. Ảnh: Lê Nam

Trên cơ sở dự báo tình hình nắng hạn thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo lịch thời vụ đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vùng phía Tây tỉnh, tại khu vực có công trình thủy lợi xuống giống lúa nước đại trà tập trung từ ngày 25-5 đến 25-6; đối với khu vực không chủ động nước, phụ thuộc nước trời xuống giống tập trung khi có đủ nước và chấm dứt gieo sạ trước ngày 10-7. Tại vùng phía Đông, Đông Nam tỉnh, những khu vực chủ động nước tưới, có công trình thủy lợi xuống giống lúa nước đại trà tập trung từ ngày 30-5 đến 30-6; vùng không chủ động nước, phụ thuộc nước trời xuống giống tập trung kết thúc trong tháng 7. Ngoài ra, đối với các loại cây trồng cạn như: bắp, lúa cạn, khoai lang, mì, mía, rau, đậu đỗ... tập trung gieo trồng khi đất đảm bảo độ ẩm.

Cùng với đó, khuyến cáo sử dụng các giống lúa chủ lực: HT1, LH12, TBR97, TBR225, BC15, Đài thơm 8, Nhị ưu 838, ML48, OM4900; các giống lúa bổ sung là J02, OM6976, TH6, ĐV108, TBR45, BC15, ĐT100, HN6, ML49 và giống triển vọng BĐR27, OM468, TBR87; giống lúa cạn Ba Chăm huyện Mang Yang; giống bọc thép huyện Kbang; giống Ba Cong, Ba Pơ Riêu huyện Kông Chro...;giống bắp Bioseed 9698, CP 888, LVN10, TBM189, VS36, các giống bắp biến đổi gen (NK7328Bt/GT, NK67Bt/GT, NK4300Bt/GT…) và một số giống bắp nếp HN88, TBM18, TBM135, MX10…; giống khoai lang Nhật, khoai lang Lệ Cần; giống đậu xanh HLĐX6, ĐX.208 có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng kháng bệnh virus khảm vàng lá cao; giống mì HN5, KM98-1, KM94, KM140, KM419; giống mía LK92-11, KK3, K88-92, K95-84, Suphanburi7…

Người dân huyện Kông Chro chuẩn bị đất cho sản xuất vụ mùa. Ảnh: Lê Nam

Người dân huyện Kông Chro chuẩn bị đất cho sản xuất vụ mùa. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Ngay từ đầu vụ Phòng đã có thông báo hướng dẫn người dân cụ thể lịch gieo trồng cho từng loại cây trồng, từng vùng. Trong đó, khuyến cáo người dân vùng sử dụng nước từ các công trình thủy lợi, đập dâng tập trung canh tác đúng lịch thời vụ theo lịch mở nước từng công trình, còn vùng không chủ động nước xuống giống khi đất đủ độ ẩm, muộn hơn so với trung bình nhiều năm 15-20 ngày. Đồng thời, rà soát diện tích từng loại cây trồng cho từng xã, từng cánh đồng để xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể và vận động người dân chuyển đổi đối cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn ngày.

Tương tự ông Nguyễn Quang Quốc-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện vẫn chưa có mưa dẫn đến việc xuống giống của người dân chậm hơn trung bình nhiều năm 15-20 ngày. Theo đó, người dân cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa, trồng mía, trồng mì, trồng điều kém hiệu quả sang trồng rau, cây ăn quả, cây dược liệu ở những nơi có điều kiện phù hợp để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy, cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn, giống cực ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, cứng cây chống đổ ngã, chịu hạn tốt để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nước, tránh thiệt hại.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Trước tình hình thời tiết dự báo nắng hạn kéo dài, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để điều chỉnh thời vụ cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để khuyến cáo người dân sản xuất hiệu quả. Đồng thời, chú trọng, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh việc tổ chức lại phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng; đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết các khâu sản xuất, phân phối theo chuỗi các sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra thị trường; tăng tỷ trọng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, theo hướng xanh, hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, kết hợp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, chất lượng các loại cây trồng; đảm bảo phát triển sản xuất trồng trọt hiệu quả, bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.