Kon Tum: Thay đổi thời vụ, cải thiện thủy lợi giúp phòng, chống hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cộng hưởng với hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán tại Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung đang có những diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của ngành nông nghiệp, cùng sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong việc thay đổi thời vụ xuống giống, đến nay, Kon Tum không chịu thiệt hại diện tích lúa nước nào trong thời gian cao điểm của mùa khô.

Cánh đồng lúa tại xã Đoàn Kết đã bước vào thời kỳ chín sáp, không cần quá nhiều nước.

Cánh đồng lúa tại xã Đoàn Kết đã bước vào thời kỳ chín sáp, không cần quá nhiều nước.

Cánh đồng lúa 40 ha thuộc thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum từ nhiều năm nay chỉ canh tác được vụ mùa - vụ canh tác vào mùa mưa. Vụ Đông Xuân, bà con nông dân buộc phải để cỏ mọc hoang, vì nằm cách xa nguồn nước nên không thể canh tác lúa. Tuy nhiên, 2 năm nay, người dân tại đây đã có thể canh tác được 2 vụ, do hệ thống thủy lợi đã được cải thiện, dẫn nước từ sông Đăk Bla lên phục vụ cho nông nghiệp.

Bà Dương Thị Hoa, thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho biết, gia đình bà có một sào lúa canh tác tại cánh đồng của thôn. Trước đây, do không có nước, bà Hoa chỉ có thể canh tác vụ mùa, thu được khoảng 6 tạ lúa. Từ khi được ngành nông nghiệp cải thiện hệ thống thủy lợi, bà đã canh tác được thêm vụ Đông Xuân, thu thêm được khoảng 5 tạ lúa. Nhờ đó, gia đình bà đã có thêm thu nhập từ diện tích này.

Cùng với cải thiện hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cũng đã chủ động ban hành văn bản khuyến cáo bà con nông dân gieo sạ sớm hơn khoảng nửa tháng trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024 so với những năm trước. Điều này đã mang đến hiệu quả lớn trong việc phòng, chống hạn hán, khi bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ thiếu nước thì đa số diện tích lúa đã bước vào giai đoạn chín sáp; thậm chí một số diện tích đã có thể cho thu hoạch. Vì vậy, việc thiếu nước trong giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của lúa.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Thôn trưởng thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho biết, sau khi nhận được thông tin về tình hình hạn hán có thể xảy ra trong mùa khô 2023 - 2024, cùng với khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông Phong đã tổ chức họp thôn, thông báo cho bà con. Với sự đồng lòng, nhất trí cao, bà con trong thôn đã cùng nhau thực hiện gieo sạ lúa sớm. Nhờ đó, đến nay lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch, ngay đỉnh điểm của hạn hán.

Cánh đồng lúa tại xã Đoàn Kết đã bước vào thời kỳ chín sáp, không cần quá nhiều nước.
Cánh đồng lúa tại xã Đoàn Kết đã bước vào thời kỳ chín sáp, không cần quá nhiều nước.

Ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo trồng trên 7.200 ha lúa. Xác định tình hình thời tiết có nhiều biến đổi, khả năng xảy ra khô hạn cao, ngay từ tháng 10/2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông xuân 2023 - 2024; trong đó, khuyến cáo xuống giống lúa sớm hơn từ 15 - 20 ngày so với các năm trước.

“Ngành nông nghiệp đã đưa ra khuyến cáo thời gian cấy, gieo sạ lúa Đông Xuân cho từng vùng Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn, cơ bản sớm hơn so với những năm trước. Cùng đó, ngành nông nghiệp thực hiện vận hành hệ thống kênh mương thủy lợi hợp lý, vận động bà con lấy nước từ trên cao xuống thấp. Nhờ đó, người dân đã chủ động được nguồn nước sớm, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán”, ông Đặng Trần Huân thông tin thêm.

Việc phát triển hệ thống thủy lợi được ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng, chủ đầu tư được yêu cầu xây dựng công trình thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình, sửa chữa, nâng cấp như hồ Đăk Po Kei, Ia Hiur, Hố chè, C19, đập Đăk Cấm, Đăk Ca, Đăk Sia II, Đăk Long, Kon Braih, kênh hồ Đăk Uy... để sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ phòng, chống hạn.

Khi xảy ra thiếu nước tại các vùng xa hồ thủy lợi, sông, suối, các huyện, thành phố, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi cũng huy động kịp thời nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư tổ chức bơm tưới bổ sung ngay các vị trí bị hạn

Về lâu dài, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2023 - 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh có các giải pháp đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các ngành liên quan cũng như các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.