Chủ động "né" hạn cuối vụ trên địa bàn Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, năm nay, hạn hán có thể gay gắt hơn so với nhiều năm. Đặc biệt, cao điểm khô hạn sẽ diễn ra vào khoảng tháng 3 và tháng 4-2020. Trước tình hình đó, huyện Krông Pa (Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp để tránh hạn cho vụ Đông Xuân 2019-2020.
Người dân xã Chư Gu chăm sóc lúa Đông Xuân
Người dân xã Chư Gu chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Lê Nam
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, đến nay, toàn huyện đã gieo trồng được hơn 11.973 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2019-2020 (đạt gần 119% kế hoạch). Trong đó, một số cây trồng chính như lúa nước đã gieo trồng 1.950 ha, dưa hấu 700 ha, rau củ quả 1.210 ha, thuốc lá 2.012 ha, mì 1.441 ha, đậu các loại 1.210 ha, bắp 417 ha... Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành chức năng địa phương đã rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước và xây dựng phương án ứng phó với hạn hán; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích trữ nước ở các ao hồ; nạo vét kênh mương dẫn nước; điều tiết nước hợp lý, tránh thất thoát lãng phí. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các địa phương điều chỉnh lịch xuống giống các loại cây trồng phù hợp với từng vùng. Đặc biệt, huyện vận động người dân gieo trồng sớm hơn khoảng 20 ngày so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, ngay từ đầu vụ, qua kiểm tra cho thấy, nguồn nước tại hồ chứa Ia Hdreh chỉ đảm bảo tưới khoảng 300 ha lúa nước và tưới hỗ trợ 40 ha cây công nghiệp, giảm hơn 160 ha so với thiết kế. Do đó, huyện đã khuyến cáo người dân giảm diện tích lúa nước và chuyển đổi sang trồng bắp, đậu và ưu tiên nước cho sản xuất ở những khu vực gần hồ. Còn tại đập dâng buôn Ma Giai (xã Đất Bằng) có năng lực tưới thiết kế 25 ha nhưng năm nay lượng nước cũng thiếu hụt, huyện đã khuyến cáo người dân không sản xuất trong khu vực này. Ông Kpă Míp-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho biết: “Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn xã gieo trồng được hơn 912 ha cây trồng các loại. Qua kiểm tra, đánh giá các hồ, đập thì lượng nước ít hơn năm trước. Đối với cây lúa, nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, xã đã khuyến cáo nông dân gieo sạ sớm để tránh thiếu hụt nguồn nước tưới cuối vụ, đồng thời sử dụng các giống lúa có khả năng chống hạn. Do đó, đến thời điểm này, một số hộ trồng lúa sớm đã được thu hoạch, còn diện tích trồng theo lịch thời vụ vẫn đang đủ nước và phát triển tốt”.
 Người dân buôn Ka Tô, xã Chư Gu tưới nước cho cây thuốc lá. Ảnh: G.H
Người dân buôn Ka Tô, xã Chư Gu tưới nước cho cây thuốc lá. Ảnh: G.H

Trên địa bàn huyện Krông Pa hiện có 9 công trình thủy lợi, trong đó, huyện quản lý 8 công trình (3 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 trạm bơm điện). Tổng diện tích tưới theo năng lực thiết kế là 1.565 ha (1.085 ha lúa, 480 ha cây công nghiệp ngắn ngày).

Nhờ chủ động xuống giống sớm, đến nay, một số cây trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch như đậu, thuốc lá, dưa hấu... Anh Kpă Jú (thôn Tập đoàn 4+5, xã Chư Gu) cho biết: “Gia đình tôi có 2 sào lúa nước, năm nay nhờ gieo sạ sớm hơn mọi năm nên lúa vẫn đủ nước và đang phát triển rất tốt”. Tương tự, chị Kpă HDơn (buôn Chư Bang, xã Chư Gu) cho hay: “Gia đình tôi có 3 sào lúa nước và 1 ha thuốc lá. Thời tiết năm nay nắng nóng hơn nhưng nhờ có hệ thống kênh mương dẫn nước về nên sản xuất vẫn ổn định. Hiện lúa Đông Xuân vẫn đảm bảo nước và đang phát triển rất tốt. Còn cây thuốc lá, gia đình tôi đã thu hoạch được 1 đợt lá chân đưa vào lò sấy. Hy vọng giá thuốc lá năm nay sẽ cao hơn để gia đình có thêm nguồn thu nhập”.       
Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Lượng mưa năm 2019 thấp nên lượng nước ở hồ chứa Ia Hdreh chỉ đạt 67,8% dung tích; đập dâng buôn Ma Giai thì không đủ nước tưới. Nhận định được sự khó khăn về nguồn nước trong sản xuất nên UBND huyện đã chỉ đạo có các địa phương hướng dẫn người dân tổ chức gieo trồng sớm hơn khoảng 20 ngày so với cùng kỳ năm trước; tranh thủ nguồn nước tự nhiên và nguồn nước hồ để sản xuất. Huyện cũng chủ động thông báo với người dân về việc các hồ đập giảm sức tưới để người dân giảm diện tích lúa nước và chuyển đổi sang trồng bắp, đậu, cỏ… “Huyện huy động người dân hưởng lợi từ công trình thủy lợi nào thì cố gắng tiến hành nạo vét kênh mương dẫn nước từ công trình đó để đảm bảo nước tưới cho vụ Đông Xuân. Đến thời điểm này, nguồn nước vẫn đang đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Nhờ xuống giống sớm nên một số cây trồng vụ Đông Xuân trên địa bàn huyện như đậu, đỗ, thuốc lá, dưa hấu, rau củ quả đã cho thu hoạch”-ông Duyên thông tin.
Cũng theo ông Duyên, nếu thời gian tới, thời tiết tiếp tục nắng nóng làm cho các hồ đập khô cạn nước thì huyện sẽ có giải pháp phù hợp để chống hạn. Cụ thể, nếu hồ chứa Ia Hdreh xuống đến mực nước chết, huyện sẽ sử dụng 4 máy bơm để bơm nước từ hồ ra kênh chính. Với hồ Phú Cần, khi mực nước xuống thấp mà một số cây trồng chưa thu hoạch thì huyện sẽ đề xuất với Công ty TNHH một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi tỉnh để cấp nước từ hồ Ia Mlah về...
GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Cơ hội để doanh nghiệp vươn ra biển lớn

Cơ hội để doanh nghiệp vươn ra biển lớn

(GLO)- Sau khi hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai (mới), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đặt kỳ vọng điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển, giúp doanh nghiệp đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phương pháp rang thủ công sẽ giữ lại vị ngọt, bùi và vị ngậy đặc trưng mà không loại hạt điều công nghiệp nào sánh bằng. Ảnh: Vũ Thảo

Giữ lại tinh túy trong từng hạt điều sẻ

(GLO)- Sản xuất theo phương pháp rang củi thủ công truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều hương vị mới lạ, một nhà sản xuất ở Gia Lai đang nuôi ước mơ đưa hạt điều địa phương với hương vị đặc trưng vươn xa.

Hợp tác xã bắt nhịp thời đại số

Hợp tác xã bắt nhịp thời đại số

(GLO)- Trong bối cảnh chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ đến từng ngõ ngách đời sống, các HTX tại Gia Lai đang cho thấy sự năng động, nhạy bén khi mạnh dạn “lên sàn”, “lên sóng” để giới thiệu và bán sản phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, livestream Facebook.

Chị Rcom H’Sra ( bìa trái, buôn Rưng Ma Nin) làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch xã Ia Rbol. Ảnh: Vũ Chi

Hiệu quả của điểm giao dịch xã trong hoạt động tín dụng chính sách ở Ayun Pa

(GLO)- Với phương châm “Phục vụ tại nhà, thu nợ, giải ngân tại xã”, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng mạng lưới điểm giao dịch tại tất cả các xã, phường, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, thuận tiện.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng chính sách

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng chính sách

(GLO)-Trong 6 tháng đầu năm 2025, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Chí-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

null