Chử Anh Đào: Khoảng trống để lại...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi những dòng chữ này đến với quý độc giả, nhà giáo Chử Anh Đào không còn nữa. Ông đã trút hơi thở cuối cùng giữa vòng tay những người thân trong gia đình và bạn bè vào sáng 10-8 tại TP. Pleiku. Ra đi ở tuổi 65, Chử Anh Đào để lại nỗi tiếc thương cho nhiều người và một khoảng trống đáng kể trên những con đường ông đã qua.
Ông tên thật là Chử Lương Đào, sinh năm 1957 tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1977, ngay sau khi tốt nghiệp ngành Văn Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ông lên đường vào Gia Lai-Kon Tum nhận công tác. Ông bắt đầu gắn bó với Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum rồi Sư phạm cấp II, Cao đẳng Sư phạm Gia Lai từ đó. Là một giảng viên trẻ, lần đầu lên Tây Nguyên lạ nước lạ cái, Chử Anh Đào đã chọn cách sống chan hòa với những người xung quanh. Không chỉ với đồng nghiệp, ông coi học viên như bạn bè. Sau giờ lên lớp, thầy trò có thể “đánh đu” với nhau trong mọi chuyện, kể cả việc lặn lội về một làng nào đó ở nơi tận cùng địa giới của Gia Lai hoặc Kon Tum để chung vui nhân một sự kiện hoặc hội hè, trong điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Phong cách ngang tàng nhưng gần gũi của Chử Anh Đào đã khiến phần lớn sinh viên sư phạm Gia Lai, Kon Tum suốt từ những năm tháng đầu tiên cho đến sau này vẫn giữ nguyên tình cảm yêu quý, trân trọng người thầy của mình. Sống gần nhau, tôi nhận ra một chi tiết nhiều chục năm liền không thay đổi: Bất kể khi ông đương chức, đã về hưu hay lâm bệnh hiểm nghèo, luôn có rất nhiều nhóm sinh viên thường xuyên ghé căn nhà nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn để thăm hỏi thầy mình. Quả thật, đối với một người làm nghề sư phạm trọn đời, không phải ai cũng có được niềm hạnh phúc đơn sơ nhưng cao quý như ông.
Nhà giáo Chử Anh Đào những ngày cuối cùng chống chọi với bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nhà giáo Chử Anh Đào những ngày cuối cùng chống chọi với bệnh tật. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Từ một giảng viên giỏi, tận tâm với công việc, Chử Anh Đào trở thành Chủ nhiệm khoa rồi đảm đương cương vị Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai nhiều năm liền cho đến khi về hưu. Nhưng những đóng góp đáng kể về chuyên môn đối với môi trường sư phạm địa phương, đương nhiên có từ khi ông còn là “lính trơn”. Thời đó, giáo trình thiếu thốn, sách tham khảo càng khan hiếm, nhưng việc đào tạo giáo sinh thì không thể dừng. Vậy là với vốn kiến thức có được từ trường đại học và tôi luyện thêm trong những năm cao học tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), Chử Anh Đào chủ trì, cùng một vài đồng nghiệp bắt tay biên soạn tài liệu cho bộ môn của mình. Công việc khó khăn này trở thành niềm yêu thích và cũng là sự kiêu hãnh ngầm của Chử Anh Đào. Trong khoảng thời gian dài, với tư cách chủ biên hoặc đồng tác giả, ông đã cho ra đời nhiều công trình có chất lượng và hữu ích đối với công cuộc giáo dục tỉnh nhà như: Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cấp II phổ thông cơ sở (1992), Bài đọc thêm song ngữ Việt-Jrai (2004), Nơr Bahnar-Tài liệu tiếng Bahnar (2010), Hơdrôm hră tơlơi Jrai-Tài liệu tiếng Jrai (2010), Từ điển phương ngữ Jrai (2004)… Thạc sĩ Chử Anh Đào cũng là người đã mạnh dạn biên soạn những tập tài liệu phục vụ các nhiệm vụ cấp thời về các lĩnh vực mà địa phương thiếu hụt chuyên gia như: Một số tác phẩm chữ Hán tiêu biểu, Những bài giảng Mỹ học. Tất nhiên, ông là một trong những thành viên biên soạn tài liệu giáo dục địa phương môn Ngữ văn, là người được mời tham gia các hội đồng khoa học xã hội của ngành.
Nhà văn Chử Anh Đào vẫn làm việc đến tận ngày cuối cùng của đời mình. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Trong những ngày cuối của đời mình, nhà giáo Chử Anh Đào vẫn làm việc đến lúc sức mình còn có thể. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Là nhà giáo dạy văn có uy tín, Chử Anh Đào luôn tích cực tham gia các sinh hoạt văn học, nghệ thuật tại địa phương và khu vực Tây Nguyên. Ông đã viết hàng trăm bài trên báo Gia Lai, tạp chí văn nghệ địa phương để bình thơ hoặc thẩm định tác phẩm, từ văn thơ chữ Hán đến giới thiệu tác phẩm mới của bạn bè, đồng nghiệp.
Vừa dạy học vừa nghiên cứu, sưu tầm và sáng tác, lại tham gia nhiều công tác khác, dù bận rộn, Chử Anh Đào vẫn để lại một di sản đáng kể về chủng loại và số lượng. Ở lĩnh vực nghiên cứu, không kể tập luận văn sau đại học về thơ chữ Hán của Nguyễn Du, những người làm văn nghệ dân gian ở Gia Lai hẳn chưa quên thành quả đầu tiên được thừa nhận của Chử Anh Đào khi ông thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Hệ thống mô típ trong truyện cổ dân gian Jrai, Bahnar ở Gia Lai (1988). Tiếp sau đó, ở mảng sưu tầm, ông công bố hàng loạt truyện cổ Jrai, Bahnar, Xê Đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Cho đến ngày ra đi, không kể những bài viết lẻ chưa được tập hợp vốn cũng khá nhiều và rải rác khắp nơi, Chử Anh Đào đã xuất bản 2 tập truyện ngắn: Người đàn bà đi trên đường (1997), Bức tranh vân cẩu (2011); 2 cuốn sách phê bình văn học: Tự thú trước vầng trăng (2000), Khúc “đồng dao cho người lớn” (2013); 2 tập tạp văn: Mẹ quê, Hồn cây cỏ (2015) và 1 tập ký: Những làng ma tôi đã đi qua (2018)… Cuốn sách riêng đầu tay của ông in năm 1989 mang tên Sao mọc cũng vừa mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản đầu năm nay, như một món quà nhỏ tặng bạn đọc trước khi tác giả rời cõi tạm.
Chử Anh Đào đã cố gắng sống đúng với bản chất của mình, cả trong các mối quan hệ cũng như công việc. Ông đã làm việc đến ngày cuối cùng, viết đến lúc sức mình còn có thể. Những đóng góp của Chử Anh Đào để lại không chỉ là một nhân cách được nhiều người quý trọng trong môi trường sư phạm tỉnh nhà mà còn là trong những công trình nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và biên khảo. Như cánh chim không mỏi, hăng say và theo đuổi đam mê một cách mạnh mẽ, ông đã nêu một tấm gương lao động cho những người đi sau. Và chính Chử Anh Đào, sau sự ra đi này, cũng sẽ để lại một khoảng trống đáng kể cho những người muốn tiếp nối công việc của ông.
Nhà thơ Phạm Đức Long: Tôi với thầy Đào là bạn vong niên. Anh Đào thuộc lứa đàn anh, đến đất này thời còn thưa người thì thành bạn. Là đàn anh, bao giờ anh cũng che đỡ cho tôi. Có việc riêng khó, đôi lúc cũng liều mạng nhờ thầy. Mà tính anh là vậy, đã giúp là vô tư trong sáng. Cái gì trong khả năng thì giúp, không so kè, tính toán. Nhờ vậy, anh em trở nên thân quý. Có nhiều chuyện, như là những kỷ niệm đẹp về nhau cứ đọng mãi trong lòng, không thể nói hết. Xin vĩnh biệt anh!
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.