Theo đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của thành viên Chính phủ với các yêu cầu: Nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng-chống tham nhũng, tiêu cực... trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật.
Tổng kết kỹ lưỡng việc thi hành Luật Đấu giá tài sản năm 2016, thuyết minh rõ các quy định còn phù hợp để kế thừa; các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Nội dung thuyết minh cần phân tích kỹ lưỡng cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kế thừa, sửa đổi, bổ sung từng quy định cụ thể.
Ngoài ra, rà soát dự thảo Luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các Bộ luật, Luật hiện hành và các dự án Luật đang được Chính phủ trình Quốc hội như: Bộ luật dân sự, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật cạnh tranh, Luật tần số vô tuyến điện, Luật giá (sửa đổi), Luật hợp tác xã (sửa đổi), Luật khoáng sản, Luật xử lý vi phạm hành chính, dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...
Quy định của dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, các cơ quan trung ương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm thi hành pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu giá.
Trình tự, thủ tục đấu giá phải bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực tiễn, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, quy trình thực hiện đấu giá, đẩy mạnh áp dụng đấu giá trực tuyến.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu giá, cuộc đấu giá nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động đấu giá; phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, hành vi vi phạm quyền của chủ sở hữu tài sản, người tham gia đấu giá, các biểu hiện "quân xanh, quân đỏ" và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Rà soát các quy định về đấu giá các tài sản đặc thù (như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số xe...), bảo đảm nguyên tắc các quy định của Luật Đấu giá tài sản về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, các vấn đề trước và sau khi đấu giá như: giám định tài sản đấu giá, định giá, xác định giá khởi điểm, điều kiện của người tham gia đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá, ký hợp đồng mua bán, nộp tiền trúng đấu giá, bàn giao tài sản đấu giá... thực hiện theo quy định của luật chuyên ngành; nghiên cứu việc đấu giá một số tài sản đặc thù khác như quyền khai thác đường cao tốc, cổ phần của Nhà nước, mua bán nợ...; nghiên cứu xây dựng quy định chung về đấu giá các tài sản đặc thù để bảo đảm sự ổn định, hiệu lực lâu dài của Luật, có cơ sở để xử lý khi phát sinh các loại tài sản đặc thù khác trong thực tiễn.