Chống hạn giữa... mùa mưa ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 1 tuần qua, 13/15 trạm bơm điện của huyện Ia Pa (Gia Lai) phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nước. Hàng trăm héc ta lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng và chớm trổ bông đang héo úa từng ngày. Nguy cơ lúa vụ mùa bị giảm năng suất và mất trắng hiện hữu khiến nhiều nông dân đứng ngồi không yên.
Hàng trăm héc ta lúa thiếu nước trầm trọng 
Chị Rlan H'Pư (làng Toan, xã Ia Kdăm) đứng tần ngần bên ruộng lúa hơn 2 sào của gia đình đang thời kỳ đẻ nhánh trên cánh đồng Plei Toan nhưng héo quắt vì thiếu nước. Trời nắng rát, mặt ruộng khô khốc nứt nẻ đút lọt bàn chân. Chị H'Pư nhổ mấy nhánh lúa lên xem, nhiều gốc chỉ còn lưa thưa rễ bám vào lớp đất mỏng cong queo như bánh tráng nướng. Quệt dòng mồ hôi ướt đẫm trên mặt, chị lắc đầu ngán ngẩm: “Đã 6 tháng trời không mưa, các con suối trong vùng trơ đáy. Nước sông Ba cũng đã tụt xuống dưới đầu hút của trạm bơm Plei Toan. Chỉ cách đầu mối trạm bơm chừng 500 m nhưng 50 ha lúa trên cánh đồng Plei Toan này đang thoi thóp từng ngày”.
Anh Rmah Tho ở làng Toan, xã Ia Kdăm tận dụng nước ao hồ để bơm tưới cho lúa
Anh Rmah Tho ở làng Toan, xã Ia Kdăm tận dụng nước ao hồ để bơm tưới cho lúa. Ảnh: Đ.P
Cách đó chừng 2 km về phía hạ lưu, ông Kpă Kju-Giám đốc Hợp tác xã Chư Mố (xã Chư Mố) đang chỉ đạo hơn 10 thành viên ra sức nạo hút cát khơi thông đường dẫn nước từ bờ sông Ba vào trạm bơm và vét lớp đất bùn dưới miệng ống hút của trạm bơm Chư Mố 2. Ông Kju thở dốc nói: “Nước sông Ba xuống thấp chỉ ngấp nghé miệng vòi hút của trạm bơm thì làm sao mà hút nước vào tưới cho ruộng lúa được!”. Gần nửa tháng nay, cứ 3-4 ngày, Hợp tác xã lại huy động người dân ra đóng cọc, be bờ chặn nước sông Ba để dẫn vào trạm bơm. Hàng cọc ngày càng dài ra mà nước sông thì cứ cạn dần và lùi xa bờ. “Tôi sống ở đây hơn 60 năm nhưng chưa năm nào chứng kiến giữa mùa mưa mà lại hạn nặng như năm nay. Hợp tác xã có 3 trạm bơm tưới cho 623 ha lúa nước vụ mùa nhưng trạm nào hiện cũng không đủ nước để chạy máy bơm. Lúa đã làm đòng rồi mà thiếu nước kéo dài như thế này thì nguy to”-ông Kju cho hay. 
Cuối tháng 7 rồi mà trời vẫn nắng gắt, hầu hết sông, suối, ao hồ trên địa bàn huyện Ia Pa đều cạn nước. Sông Ba, sông Tul nước xuống thấp mấp mé miệng hút của trạm bơm. Suối Đak Pi Hiao bao đời nay cấp nước tưới cho cánh đồng của 3 xã: Pờ Tó, Kim Tân, Chư Răng thì giờ đây chỉ còn lại một dòng nhỏ róc rách, nhiều đoạn trơ đáy. Ông Nguyễn Văn Mằn-Tổ trưởng tổ dịch vụ thủy nông thôn Bình Hòa (xã Chư Răng) cứ đóng cầu dao điện mở máy bơm chưa được 1 tiếng đồng hồ lại phải chạy vào tắt vì hụt nước. “Trạm bơm ở cuối nguồn suối Đak Pi Hiao nên lượng nước chỉ về róc rách vì các trạm bơm trên thượng nguồn chặn dòng hút hết nước rồi. Hơn 36,5 ha lúa vụ mùa đang làm đòng, trổ bông của chúng tôi bị thiếu nước nghiêm trọng, nguy cơ sụt giảm năng suất đang hiện hữu. Bà con kêu dữ lắm nhưng đành chịu”-ông Mằn nói.
Toàn huyện Ia Pa hiện có hàng trăm héc ta lúa vụ mùa nguy cơ giảm năng suất, mất trắng vì thiếu nước tưới. Ông Trần Văn Hùng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa-cho hay: Toàn huyện có hơn 100 ha lúa một vụ nằm ngoài vùng tưới của các trạm bơm điện đang chết khô từng ngày mà không cách gì cứu vãn. Cùng với đó, hơn 100 ha lúa nước ở các xã: Kim Tân, Chư Răng, Pờ Tó, Ia Tul, Ia Kdăm, Chư Mố cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Cấp bách chống hạn
Trước tình hình nắng hạn gay gắt, UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo UBND các xã, các hợp tác xã, tổ thủy nông triển khai nhiều phương án chống hạn cứu lúa. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo các xã chi khẩn cấp nguồn kinh phí dự phòng để các hợp tác xã tổ chức đắp đập chặn dòng suối Đak Pi Hiao, Ia Tul và đóng cừ ngăn dòng sông Ba để dẫn nước vào trạm bơm. Huyện cũng chi hơn 80 triệu đồng mua 1 máy hút cát về cho các hợp tác xã mượn để nạo hút khơi thông kênh dẫn dòng và hạ thấp bể hút của các trạm bơm điện. Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu giúp UBND huyện lên lịch tưới cụ thể cho từng trạm bơm điện để tưới luân phiên nhằm tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã tận dụng nước ở các ao hồ nhỏ để bơm tưới cho lúa, thậm chí là khoan giếng ngay giữa ruộng để hút nước lên cứu lúa.  
 Hợp tác xã Chư Mố huy động thành viên nạo hút cát dẫn dòng vào trạm bơm Chư Mố 2 cứu 64 ha lúa đang khô hạn. Ảnh: Đ.P
Hợp tác xã Chư Mố huy động thành viên nạo hút cát dẫn dòng vào trạm bơm Chư Mố 2 cứu 64 ha lúa đang khô hạn. Ảnh: Đ.P
Ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho rằng giữa mùa mưa mà lúa vụ mùa lại bị khô hạn vì thiếu nước là hiện tượng bất thường trong nhiều năm qua. “Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra tình hình ruộng đồng và các trạm bơm điện để có hướng tháo gỡ kịp thời. Lịch tưới luân phiên được các hợp tác xã và tổ thủy nông tuân thủ nghiêm ngặt, ưu tiên nước phục vụ diện tích lúa đang làm đòng và trổ bông để giảm thiểu thiệt hại cho bà con”-ông Hương cho hay. 
Mặc dù chính quyền huyện và các xã ở huyện Ia Pa đang ra sức vận động nhân dân sử dụng nước tưới tiết kiệm; đồng thời, huy động dân khơi thông kênh mương, chặn dòng sông, suối để dẫn nước vào trạm bơm nhưng mực nước cứ lùi xa cửa các trạm bơm từng ngày. Ruộng đồng vẫn đang khô khát. Nếu trong thời gian tới trời không mưa, rất nhiều nông dân trồng lúa ở Ia Pa có nguy cơ mất trắng vụ mùa. 
 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.