Khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai đối mặt với hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai không có các hồ chứa thủy lợi lớn tích nước phục vụ sản xuất mà chủ yếu là những công trình thủy lợi nhỏ và các ao, bàu, sông suối. Vì vậy, mỗi vụ sản xuất, nông dân nơi đây lại đối mặt với nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới cho cây trồng. Vụ Đông Xuân 2018-2019, tình trạng này lại tiếp tục xảy ra.
 

Hạn hán khiến năng suất mía giảm mạnh.  Ảnh: Trần Hiếu
Hạn hán khiến năng suất mía giảm mạnh. Ảnh: Trần Hiếu

Ao, bàu kiệt nước
 

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh 8 hồ chứa do gia đình tự múc để tích trữ nước phục vụ sản xuất lúa và mía, ông Phan Lượng (thôn 5, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cho biết: “Nắng nóng kéo dài từ tháng 11-2018 đến nay khiến nhiều diện tích cây trồng của gia đình tôi và nhiều hộ khác xung quanh bị thiếu nước tưới. Cũng do thiếu nước tưới nên một số diện tích mía lưu gốc của gia đình không mọc chồi nổi. Ngoài ra, 4 sào lúa nước cũng phải bỏ bớt 1 sào vì không đủ nước tưới đến cuối vụ. Tháng vừa rồi, tôi bơm nước tưới cho lúa mất hơn 1 triệu đồng tiền điện, trong khi những tháng trước bơm tưới và sinh hoạt chỉ mất khoảng 300-400 ngàn đồng. Hiện tại, tôi chỉ bơm tưới những diện tích còn cứu được”.
 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Dự (cùng thôn) cho hay: “Gia đình tôi trồng 1 ha bí đỏ và 1 ha chanh dây đang chuẩn bị thu hoạch. Vì khô hạn nên gia đình tôi phải ở ngoài đồng cả ngày lẫn đêm canh nước mạch trong hồ lên lại để bơm tưới. Đặc biệt, gia đình tôi phải bơm nước “tăng bo” từ hồ này sang hồ khác mới tới vườn chanh dây nên rất tốn kém”.
 

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, từ đầu vụ Đông Xuân 2018-2019 đến nay, nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Hiện tại, mực nước tại các công trình thủy lợi, hồ chứa, sông suối, ao, bàu trên địa bàn huyện đang ở mức thấp và cạn kiệt. Tại các xã Hà Tam, An Thành và Tân An đã có 6,8 ha lúa nước bị mất trắng và 21,8 ha lúa khác có nguy cơ bị hạn.
Tại huyện Kbang, tình trạng nắng hạn kéo dài cũng đã làm mực nước tại các công trình thủy lợi, ao hồ xuống thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Mực nước hồ Buôn Lưới, Plei Tơ Kơn, Đak Jăng, Gu Ga thấp hơn 2-5 m so với mực nước dâng bình thường. Lượng nước tại các hồ hiện chỉ đạt khoảng 20-30% dung tích chứa. Trong khi đó, tại huyện Kông Chro và thị xã An Khê, các ao, bàu, hồ cũng đang trong giai đoạn kiệt nước. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước đang đe dọa cây trồng ở các địa phương này từng ngày.

 

Chủ động giúp dân chống hạn
 

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Kbang hiện có khoảng 338,11 ha cây trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 bị hạn. Trong đó, diện tích lúa nước là hơn 222 ha (155,7 ha bị thiệt hại trên 70%; hơn 66 ha bị thiệt hại 30-70%), diện tích mì thiệt hại khoảng 20,1 ha, mía 23 ha, bắp và hoa màu khác trên 70 ha… Bên cạnh đó, khoảng 113,9 ha cây trồng tại các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Kông Pla, Lơ Ku và xã Đông có nguy cơ thiếu nước, giảm năng suất nếu trong thời gian tới không có mưa.
 

Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: “Trước tình hình nắng hạn kéo dài, từ đầu vụ, huyện đã triển khai các giải pháp như vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên những diện tích thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có khả năng chống chịu hạn; sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong sản xuất và sinh hoạt. Huyện cũng chủ động triển khai các giải pháp phòng-chống hạn như xây dựng lịch điều tiết nước cho từng công trình thủy lợi, tổ chức tưới luân phiên đảm bảo diện tích tưới cho cây lúa nước; đồng thời chuẩn bị máy móc, nhiên liệu để thành lập các trạm bơm dã chiến khi mực nước tại các công trình thủy lợi xuống thấp không thể điều tiết được… Bên cạnh đó, huyện đôn đốc các xã có diện tích cây trồng bị hạn thành lập hội đồng kiểm tra thiệt hại, chủ động nguồn kinh phí dự phòng để phòng-chống hạn nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra”.
 

Tại Đak Pơ, ngành Nông nghiệp huyện đã tích cực vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và chia sẻ nguồn nước trong sinh hoạt; tận dụng mọi nguồn nước để tưới cho cây trồng như đào giếng lấy nước bơm chuyền lên chân ruộng cao. Còn tại huyện Kông Chro, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Nắng nóng kéo dài đã làm khoảng 7 ha mì tại xã Ya Ma bị khô hạn. Lượng nước tại các ao, hồ thủy lợi trên địa bàn huyện cũng đang cạn kiệt song vừa rồi có mưa nên phần nào giảm thiệt hại do hạn hán gây ra. Hiện tại, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp phòng-chống hạn trên các loại cây trồng.         
 

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.