Một trong những lỗi mà người tham gia giao thông thường hay vi phạm khi du xuân là chạy quá tốc độ. Theo quy định người khiển xe chạy quá tốc độ từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Sẽ bị tước giấy phép lái xe đến 4 tháng nếu chạy quá tốc độ quy định. Ảnh LĐ |
Theo quy định tùy vào từng loại phương tiện điều khiển và từng trường hợp cụ thể sẽ có những mức phạt tương ứng. Cụ thể: Người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng.
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km đến 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng, quá tốc độ quy định trên 20km đến 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.00 đồng, quá tốc độ quy định trên 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng, từ 10km đến 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng, trên 20 km/h sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng. Điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 triệu đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.
Theo các chuyên gia, nếu tăng tốc độ trung bình 1 km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ tai nạn giao thông. Ngược lại nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tốc độ bình quân 80 km/h, khả năng gây ra tai nạn giao thông cao hơn nhiều so với tốc độ 50 km/h.
Do đó, cần xử phạt nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, bảo đảm tính răn đe. Chế tài xử phạt phải thực sự răn đe đề người tham gia giao thông không còn “nhờn” luật.
Theo MINH HẠNH (LĐO)