Cảnh báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an tỉnh Gia Lai vừa có văn bản thông báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo đó, từ tháng 9-2022 đến nay tại một số tỉnh, thành phố người dân nhận các tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại (SMS Brandname) với nội dung như, thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ (quảng cáo trên TikTok, tài chính toàn cầu...) có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3 đến 6 triệu đồng, nếu muốn hủy thì truy cập vào đường dẫn (https://vietinbank.com.vn-vb.top; https://vpbank.com.vn. top; https://scb.com.vn-as.life; https://msb.com.vn-sx.top...), để đánh lừa khách hàng truy cập vào các đường link giả mạo. 
Do nhầm tưởng là trang web của ngân hàng thật nên khách hàng thực hiện theo yêu cầu, nhập thông tin tài khoản ngân hàng và bị các đối tượng chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Cơ quan chức năng xác định đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, xuyên quốc gia do các đối tượng sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại thực hiện phát tán tin nhắn rác giả mạo tin nhắn ngân hàng đế lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet
Vì vậy, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai đề nghị Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân biết phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm nêu trên, đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện, đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện các tin nhắn giả mạo SMS Brandname xảy ra trên địa bàn, cần trao đổi với Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Công an tỉnh Gia Lai (số 80, đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) để phối hợp, xử lý.
Đồng thời, để chủ động phòng tránh các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, thư điện tử, tài khoản ngân hàng. Thận trọng khi nhận sử dụng thư điện tử. Không nhấn vào các đường link, các liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử mà chúng ta không chắc chắn nguồn gửi đến. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống phần mềm/ứng dụng từ các nguồn đáng tin cậy. Thực hiện các biện pháp để bảo vệ thiết bị cá nhân kết nối, truy cập các dịch vụ trên không gian mạng bằng các công cụ bảo mật, phần mềm diệt virus. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần bình tĩnh, kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.