Cẩn trọng với “bác sĩ Google”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thời gian qua, một số người đã tự chẩn bệnh và làm theo “bác sĩ Google”. Theo các chuyên gia y tế, đây là việc làm sai lầm dễ dẫn đến những nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ. 

Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Ngọc Thành-Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh.

*P.V:Thời gian qua, một số người dân lên mạng internet chẩn bệnh bằng “bác sĩ Google” và làm theo hướng dẫn. Bác sĩ nhìn nhận việc này như thế nào?

Khi bị đau ốm, người dân cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả. Ảnh: N.N

Khi bị đau ốm, người dân cần đến các cơ sở y tế thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và điều trị hiệu quả. Ảnh: N.N

- Bác sĩ HOÀNG NGỌC THÀNH: Ngại đưa trẻ đến bệnh viện khám bệnh, tự chẩn bệnh và mua thuốc cho con uống… là những thói quen thường thấy của nhiều gia đình có con nhỏ. Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc đã là sai lầm, trong đó không ít người còn sai lầm trong cách thức dùng thuốc dễ dẫn đến những nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

Đừng tin những gì quảng cáo trên môi trường mạng về thuốc. Hãy cứ nghĩ, các bác sĩ đã được đào tạo trong một thời gian dài về bộ máy tinh vi nhất của quả đất-con người-từ trạng thái bình thường đến bất thường, từ tế bào đến những rối loạn cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng chưa chắc họ đã giỏi, thì các bạn, chỉ bằng vài cú enter với Google, lại không có kiến thức căn bản về y khoa, thì sao dùng thuốc cho đúng được.

Việc tự chẩn bệnh thay bác sĩ còn có thể đẩy con cái vào trạng thái nguy hiểm. Một số căn bệnh như: sởi, sởi cấp tính ở trẻ em, viêm màng não, viêm cơ tim do vi rút... có triệu chứng khởi đầu giống như bị cảm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ kéo dài thời gian điều trị của bé; thậm chí, nguy cơ tử vong của trẻ sẽ cao hơn nếu để quá lâu.

* P.V: Vậy, chẩn bệnh thông qua “bác sĩ Google” và làm theo hướng dẫn có tác hại như thế nào, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ HOÀNG NGỌC THÀNH: Đừng bao giờ tin những gì mình tìm kiếm trên mạng internet rồi tự suy diễn, tự làm “bác sĩ” cho bản thân và gia đình mình. Vì như thế chỉ làm hại chính mình và gia đình. Có nhiều loại thuốc người lớn dùng được nhưng trẻ nhỏ thì tuyệt đối cấm. Chẳng hạn, Terpin Codein là thuốc ho nhưng chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì các chế phẩm chứa thuốc phiện có thể gây ngộ độc, ngừng thở, thậm chí khiến trẻ tử vong. Thuốc điều trị tiêu chảy Loperamid cũng chống chỉ định với trẻ em vì nếu dùng có thể dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ cũng lưu ý cha mẹ không nên lạm dụng thuốc nhỏ mũi chứa thành phần gây co mạch, giảm sung huyết. Thay vào đó, cần dùng nước muối sinh lý để rửa mũi hàng ngày cho trẻ, nhất là với trẻ sơ sinh. Đặc biệt, với nhóm thuốc Naphazoline, không được dùng cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi. Các ca ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch thường xảy ra ở nhóm từ 1 tháng đến 3 tuổi do người nhà tự ý dùng. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của trẻ. Chính vì thế mà các quốc gia tiên tiến thường cấm quảng cáo thuốc trên phương tiện truyền thông dân dụng, chỉ được quảng cáo thuốc ở tạp chí và hội thảo chuyên ngành Y tế.

Trường hợp đơn giản như một đứa trẻ bị ho, hâm hấp sốt, lần đầu tiên đi khám bác sĩ thấy con có dấu hiệu ho do viêm họng nên cho dùng kháng sinh và một số loại thuốc khác. Con dùng thuốc thì khỏi. Lần sau, thấy con ho, bố mẹ nghĩ ngay đến lần cho con đi khám trước, mua luôn kháng sinh về cho con uống. Con uống hết liều, không dứt bệnh. Đi khám bác sĩ bảo con bị ho dị ứng, uống kháng sinh không có giá trị gì trong trường hợp này. Vậy là, trong trường hợp này, bố mẹ đã cho con dùng kháng sinh không cần thiết.

Việc tự ý chẩn bệnh và mua thuốc cho con uống sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nhất là trẻ nhỏ. Ảnh: Như Nguyện

Việc tự ý chẩn bệnh và mua thuốc cho con uống sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nhất là trẻ nhỏ. Ảnh: Như Nguyện

Hầu hết các bậc phụ huynh chỉ nhớ tên thuốc mà không biết thành phần chính của thuốc, dẫn đến việc dùng thuốc trùng lặp, gây quá liều và ngộ độc cho trẻ. Bên cạnh đó, một số thuốc chỉ uống 1 loại thì an toàn cho trẻ nhưng nếu kết hợp với các loại thuốc khác thì có thể gây ra những phản ứng không tốt. Nói cách khác là kiêng kỵ khi phối hợp chúng với nhau.

Ví dụ, thuốc kháng sinh khi uống cùng với men vi sinh thì sẽ giảm hiệu quả tác dụng của thuốc. Là vì, thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn trong đường ruột còn men vi sinh lại bổ sung lợi khuẩn. Hoặc đang cho bé dùng thuốc ho long đờm thì không được dùng đồng thời thuốc chống dị ứng. Bởi trong khi thuốc long đờm đang làm đờm loãng và long ra thì thuốc chống dị ứng lại làm giảm tiết dịch khiến đờm quánh lại không thoát ra được. Dùng đồng thời như vậy, 2 loại thuốc sẽ phản tác dụng, không mang lại hiệu quả điều trị. Ngoài ra, liều lượng, số lần sử dụng thuốc… của trẻ khác với người lớn, nên việc tự ý dùng thuốc cho trẻ là hết sức nguy hiểm.

*P.V:Để giữ gìn sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ, bác sĩ có khuyến cáo gì đến người dân?

- Bác sĩ HOÀNG NGỌC THÀNH: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là việc làm cần thiết của mỗi gia đình. Khi chưa hiểu, chưa có kiến thức về bệnh thì khi đau ốm cần có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ. Chỉ khi được bác sĩ thăm khám, tư vấn hướng dẫn thì mới dùng thuốc đúng cách và hiệu quả, tránh những nguy hiểm, tác hại khôn lường nếu tin theo “bác sĩ Google”.

*P.V: Xin cảm ơn bác sĩ!

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

(GLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh vừa tổ chức 2 lớp đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý và hồi sức trẻ sơ sinh cho 40 cán bộ y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai triển khai hiệu quả kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

(GLO)- Đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai không ngừng đầu tư đồng bộ về mọi mặt, triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị. Trong đó, kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu được đơn vị triển khai hiệu quả cứu sống nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch.

Buổi hiến máu thu hút đông đảo người dân huyện Ia Pa tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa tiếp nhận 316 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 28-10, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hiến máu nhân đạo đợt 2 năm 2024.

Gia Lai: Gần 100 chuyên gia và cán bộ y tế dự hội thảo khoa học Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

Gia Lai: Gần 100 chuyên gia và cán bộ y tế dự hội thảo khoa học Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu

(GLO)- Ngày 26-10, tại TP. Pleiku, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, Công ty TNHH Baxter Việt Nam Healthcare tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "Cập nhật kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức cấp cứu".