Bác sĩ quân y có nhiều sáng kiến trong khám-chữa bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm qua, Thiếu tá-bác sĩ Lê Trần Phú-Chủ nhiệm Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Quân y 15) đã có nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, năm 2013, bác sĩ Lê Trần Phú được phân công về công tác tại Bệnh viện Quân y 15. Trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, đến năm 2019, anh được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Khoa Ngoại-sản. Năm 2022, khi chia tách Khoa Ngoại-sản thành Khoa Sản và Khoa Ngoại tổng hợp, bác sĩ Phú đảm nhận trọng trách Chủ nhiệm Khoa Ngoại tổng hợp.

Trên cương vị mới, bác sĩ Phú đã dành thời gian thực hiện đề tài “Nghiên cứu kết quả lâm sàng sớm ở bệnh nhân tạo hình khuyết hổng phần mềm bằng vạt cuống liền tại chỗ”.

Bác sĩ Phú giải thích: Nội dung của đề tài này là nghiên cứu kết quả ghép phần mềm (da, thịt) lấy từ chính bệnh nhân để đắp, ghép tại các ngón tay bị tai nạn mất hết mô mềm chỉ còn lại phần xương. Bàn tay, đặc biệt là các ngón tay là bộ phận tinh tế nhất của hệ vận động, tham gia vào hầu hết các hoạt động trong lao động và trong sinh hoạt hàng ngày. Đây là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với công cụ lao động nên các chấn thương, vết thương bàn, ngón tay trong đó có tổn thương khuyết hổng phần mềm ngón tay là tổn thương thường gặp.

Một ca bệnh sau khi được sử dụng kỹ thuật đắp, ghép phần thịt và da. Ảnh: V.H

Một ca bệnh sau khi được sử dụng kỹ thuật đắp, ghép phần thịt và da. Ảnh: V.H

Trong quá trình làm việc, nhiều người chưa chú trọng đến bảo hộ lao động nên tai nạn liên quan đến chấn thương các đầu ngón tay khi sử dụng máy băm, máy nghiền, máy xay xát… vẫn xảy ra. Trước đây, khi chưa có những nghiên cứu chuyên sâu để thực hiện các ca phẫu thuật đắp, ghép thì những bệnh nhân bị mất hết phần mô ở các đầu ngón tay thường phải tháo rời khớp đốt ngón tay. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lao động, sức khỏe mà còn làm mất thẩm mỹ.

Từ khi có sáng kiến này, các bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 15 có thể thực hiện các thủ thuật y khoa để đắp ghép phần thịt và da ở các đầu ngón tay bị tai nạn.

Bác sĩ Phú chia sẻ thêm: Bảo tồn tối đa chiều dài ngón, phục hồi chức năng vận động tinh vi và xúc giác tinh tế của ngón tay, ngăn ngừa cứng khớp, bảo tồn được lớp mô đệm dưới da tránh bị đau khi va chạm, giúp bệnh nhân sớm quay trở lại thực hiện các hoạt động trong lao động và sinh hoạt hàng ngày là mục tiêu đề tài đặt ra. Các khuyết hổng phần mềm ngón tay thường bị lộ gân xương khớp nên cần được che phủ bằng các vạt tổ chức (da, thịt).

Với đề tài nghiên cứu này, từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện Quân y 15 đã đắp, ghép thành công cho hơn 60 bệnh nhân bị tai nạn liên quan đến mất hết mô, cơ, thịt ở đầu ngón tay.

Bác sĩ Lê Trần Phú theo dõi ca bệnh sau khi được phẫu thuật đắp, ghép da, thịt. Ảnh: V.H

Bác sĩ Lê Trần Phú theo dõi ca bệnh sau khi được phẫu thuật đắp, ghép da, thịt. Ảnh: V.H

Trước đó, năm 2020, bác sĩ Phú cũng thực hiện đề tài “Khảo sát hiệu quả điều trị giảm đau của Diclofenac và phối hợp Paracetamol với Diclofenac trên sản phụ sau sinh mổ lấy thai tại Bệnh viện Quân y 15”.

Đề tài đã giúp các bác sĩ đánh giá được yếu tố có liên quan đến đặc điểm sử dụng thuốc giảm đau của sản phụ sau mổ lấy thai. Việc phối hợp 2 loại thuốc đem lại hiệu quả rõ rệt khi đã giảm tỷ lệ đau nặng của bệnh nhân sau 6 giờ sử dụng thuốc (từ 12,9% xuống còn 1,7%). Từ đó đề xuất vào việc ưu tiên sử dụng phối hợp thuốc trong phác đồ giảm đau của bệnh nhân và đề xuất thuốc vào danh mục đấu thầu của bệnh viện với bảo hiểm y tế.

Thượng tá-bác sĩ chuyên khoa II Phạm Xuân An-Giám đốc Bệnh viện Quân y 15-cho biết: Thiếu tá Lê Trần Phú là một bác sĩ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có nhiều nghiên cứu khoa học áp dụng vào quá trình khám-chữa bệnh tại đơn vị.

Những đề tài nghiên cứu của anh đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, hoàn thiện kỹ thuật chuyên sâu và giúp người bệnh tiếp cận với các phương pháp mới về y khoa, không cần điều trị ở các bệnh viện tuyến chuyên sâu khi chưa cần thiết.

Với những đóng góp của mình trong phục vụ bệnh nhân cũng như trong nghiên cứu khoa học, 4 năm liên tục, bác sĩ Lê Trần Phú đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Năm 2022, anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có nhiều thành tích trong công tác; năm 2023 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân.

Có thể bạn quan tâm

Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

(GLO)- Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, những năm qua, Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi y đức để từng bước nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.
Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư

Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư

(GLO)- Theo SGGPO, toàn thế giới ước tính hiện có khoảng 19,9 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, thống kê có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. 3 loại ung thư hàng đầu theo số ca tử vong gồm ung thư gan, phổi, dạ dày.

3 tác động kỳ lạ của việc bỏ bữa sáng

3 tác động kỳ lạ của việc bỏ bữa sáng

Bữa sáng thường được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì giúp cung cấp năng lượng và tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Bỏ bữa sáng không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, khó tập trung, làm biến động đường huyết mà còn gây ra những tác động kỳ lạ với sức khỏe.