Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa: “Bệnh nhân còn thở là còn hy vọng”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm qua, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Nghĩa-Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã giúp nhiều người bệnh tìm được sự sống giữa lằn ranh sinh tử.

Anh Nguyễn Đình Nghĩa sinh năm 1979, là bác sĩ chuyên khoa II trẻ tuổi nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những năm qua, anh đã luôn nỗ lực học tập, nghiên cứu để vững vàng về lý thuyết, giỏi trong chuyên môn và được đồng nghiệp đánh giá cao, bệnh nhân quý trọng.

Cứu người giữa lằn ranh sinh tử

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa cho hay: Gia đình anh có 9 anh chị em, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, anh luôn nỗ lực học tập với mong muốn thay đổi cuộc sống và giúp đỡ gia đình. “Ba mẹ luôn khuyên anh chị em chúng tôi phải cố gắng học tập và định hướng cho các con theo đuổi ngành Y dược và Giáo dục. Lúc còn sống, ba tôi luôn nhắc nhở về giá trị nhân văn và cống hiến của 2 khối ngành này đối với xã hội. Không phụ tâm nguyện của ba mẹ, tôi đã chọn theo học ngành Y. Trong 9 anh em chúng tôi, có 4 anh em theo khối y-dược và 4 anh chị là giáo viên. Chỉ có 1 chị gái làm bên khối ngành kinh tế. Vợ tôi cũng làm trong ngành Y”-bác sĩ Nghĩa trải lòng.

Anh Nguyễn Đình Nghĩa tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Huế năm 2007. Tháng 7 cùng năm, bác sĩ Nghĩa về công tác tại Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Trong quá trình làm việc, anh tiếp tục học chuyên khoa I chuyên ngành Ngoại khoa (Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) và chuyên khoa II chuyên ngành Ngoại khoa (Trường Đại học Y Huế).

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa. Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa. Ảnh: Như Nguyện

Bước chân vào ngành Y, bác sĩ Nghĩa luôn xem bệnh nhân như người thân trong gia đình, nỗ lực cứu chữa cho người bệnh. Bản thân anh luôn cầu thị, lắng nghe và học hỏi từ các đồng nghiệp; luôn nhìn lại mình, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi ca bệnh. Với tâm niệm đó, đứng trước những ca bệnh khó, bác sĩ Nghĩa luôn cùng các đồng nghiệp cố gắng hết sức mình, chỉ cần bệnh nhân còn thở là còn hy vọng. Sự nỗ lực đó được đền đáp khi nhiều bệnh nhân lâm bệnh hiểm nghèo, nguy kịch đã được cứu sống, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho họ và gia đình.

“Tôi không nhớ nổi mình đã mổ bao nhiêu ca và cứu sống bao nhiêu người bệnh. Tôi nhớ nhất là ca tai nạn giao thông, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đặt nội khí quản, bóp bóng, huyết áp tụt, được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) năm 2016. Khi hội chẩn toàn viện, tôi đến khám, bệnh nhân trong tình trạng thở máy, bụng chướng căng, huyết áp tụt, chẩn đoán: choáng xuất huyết nội do vỡ gan, chỉ định phẫu thuật khẩn cấp. Khi ấy, mẹ của bệnh nhân khóc nghẹn hỏi tôi: “Lúc con tôi chuyển tới, bác sĩ giải thích bệnh nặng tiên lượng tử vong, giờ mổ có sống được hay không bác sĩ?”. Trước câu hỏi ấy, tôi động viên người nhà yên tâm, dù phần trăm sống là thấp nhưng vẫn có và điều đó không cho phép chúng ta mất hy vọng… Tôi và ê kíp khi đó đã cố gắng hết mình và cuối cùng ca mổ thành công. Bệnh nhân được cứu sống trong niềm vui của các y-bác sĩ cùng người nhà”-bác sĩ Nghĩa kể.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa luôn học hỏi người đi trước, giúp đỡ đồng nghiệp và được mọi người quý trọng. Ảnh: N.N

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa luôn học hỏi người đi trước, giúp đỡ đồng nghiệp và được mọi người quý trọng. Ảnh: N.N

Bác sĩ Nghĩa cho biết thêm: Giữa tháng 3 vừa qua, anh và các đồng nghiệp đã phẫu thuật và cứu sống bệnh nhân bị kéo cắt cành cà phê đâm thủng tim. Còn hồi đầu tháng 4 này, anh và các y-bác sĩ cũng đã nỗ lực trong gần 6 giờ đồng hồ phẫu thuật để giành giật sự sống cho bệnh nhân Kpuih Tý (18 tuổi) nguy kịch do đa chấn thương, vỡ dập nhiều cơ quan nội tạng bởi tai nạn giao thông. Mọi nỗ lực được đền đáp khi ca phẫu thuật thành công giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Tất cả vì người bệnh

Chị Rcom Bê (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai)-chị gái bệnh nhân bị kéo cắt cành cà phê đâm thủng tim được bác sĩ Nghĩa cứu sống-kể lại: “Tình trạng của em tôi khi ấy hết sức nặng. Gia đình đã chuẩn bị sẵn tâm lý và chỉ còn biết cầu nguyện mong phép màu xảy ra. Bác sĩ Nghĩa và y-bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã nỗ lực cứu chữa giúp em tôi qua cơn nguy kịch”. Còn ông Rơ Mah Och (làng Klũh Klãh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông)-cha bệnh nhân Kpuih Tý thì xúc động nói: “Con tôi bị chấn thương nặng, nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu cháu qua cơn nguy kịch. Gia đình biết ơn các y-bác sĩ rất nhiều”.

Theo bác sĩ Nghĩa: “Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng. Ngành Y quyết định trực tiếp đến mạng sống của bệnh nhân. Đôi khi, mạng sống của người bệnh chỉ tính bằng giây, bằng phút và nếu chúng ta không chịu học hỏi, nỗ lực thì sự đánh đổi có khi bằng cả tính mạng người bệnh. Vì vậy, đã vào ngành Y thì xác định phải học hỏi không ngừng để tiến bộ mỗi ngày, góp phần cứu sống người bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện

Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa thăm khám cho bệnh nhân nằm điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện

Vững chuyên môn và giàu y đức nên việc bác sĩ Nghĩa nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các bệnh viện tư. “Trong bối cảnh nhiều bệnh viện tư mời gọi với mức lương cao và chứng kiến đồng nghiệp lần lượt rời bệnh viện công sang làm việc tại các bệnh viện tư, tôi cũng day dứt và nghĩ nhiều. Nhưng rồi, tôi nghĩ nếu mọi người đi hết, tôi cũng đi thì ai sẽ giúp bệnh nhân nghèo? Tôi sinh ra trong gia đình điều kiện khó khăn, cũng từng thấm thía cái khổ, cái nghèo. Tôi nhớ đến tâm nguyện và những lời nhắc nhở của ba mẹ, về lý tưởng khi mình xác định theo nghề. Vì vậy, tôi tự nhủ sẽ tiếp tục gắn bó, nỗ lực và cố gắng hết mình vì bệnh nhân nghèo”-bác sĩ Nghĩa bộc bạch.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Bảo-Quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Bác sĩ Nguyễn Đình Nghĩa là một trong những bác sĩ trẻ có năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Bản thân anh luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, khiêm tốn học hỏi người đi trước, tận tình hỗ trợ các đồng nghiệp trẻ và được đồng nghiệp công nhận, đánh giá cao, lãnh đạo tín nhiệm và bệnh nhân yêu quý.

Trong suốt 17 năm công tác, bác sĩ Nghĩa đã vượt qua những khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy thuốc. Không chỉ nỗ lực học tập, cứu chữa cho người bệnh, hàng năm, anh còn cùng các đồng nghiệp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong điều trị cho người bệnh. Nhiều năm liền, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được đơn vị, ngành vinh danh, khen thưởng, được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ” của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nói về bác sĩ Nghĩa, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại tổng hợp Nguyễn Thị Ngọc Lan nhận xét: “Tôi gắn bó với bác sĩ Nghĩa từ ngày đầu anh về công tác đến nay. Bác sĩ Nghĩa rất tận tâm, luôn hết lòng vì người bệnh. Anh là bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu y đức. Bất cứ lúc nào bệnh nhân cần, bác sĩ Nghĩa luôn có mặt kịp thời. Trong quan hệ với các đồng nghiệp, anh luôn học hỏi người đi trước, giúp đỡ đồng nghiệp và được mọi người quý trọng”.

Có thể bạn quan tâm

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Đau nửa đầu bên phải là dấu hiệu bệnh gì?

Có những cơn nhức đầu khó chịu và vùng đau chủ yếu nằm ở nửa bên phải đầu. Cảm giác đau nhức này có thể xuất hiện ở sau đầu, hàm, mắt hay xoang. Tuy nhiên, tất cả đều nằm ở nửa bên phải đầu. Nguồn gốc của những cơn đau nhức có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.