Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong thu hồi đất rừng, trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, dù tỉnh Gia Lai đã có nhiều chủ trương, biện pháp, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng tích cực triển khai thực hiện việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng nhưng thời gian qua, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắt. Do đó, để hoàn thành kế hoạch đề ra, đòi hỏi các cấp, các ngành, đơn vị chủ rừng phải đề ra nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ để thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai do bà Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển sang cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. T

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Q.T
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Q.T



Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) về tăng cường quản lý quản lý tài nguyên, quản lý bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng trồng mới, nâng độ che phủ lên 46,6%, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1123/KH-UBND ngày 23-3-2017 về tổ chức thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Theo đó, dự kiến trong 3 năm (từ năm 2017-2019) sẽ thu hồi tối thiểu 30 ngàn ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để đưa vào trồng rừng. Đến nay, diện tích đất rừng bị lấn chiếm được người dân tự nguyện kê khai là hơn 26,9 ngàn ha, chiếm gần 90% so với chỉ tiêu cảu Kế hoạch 1123/KH-UBND tỉnh. Trong 2 năm 2017-2018, tỉnh chỉ mới triển khai trồng được hơn 12,9 ngàn ha rừng, trong đó, diện tích đất rừng bị lấn chiếm giao lại và thu hồi để trồng rừng theo Kế hoạch 1123 chỉ đạt 10 ngàn ha…

5Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đi giám sát thực tế công tác thu hồi đất rừng và triển khai trồng rừng tại huyện Kông Chro Ảnh: Q.T
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đi giám sát thực tế công tác thu hồi đất rừng và triển khai trồng rừng tại huyện Kông Chro. Ảnh: Q.T



Theo ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm cũng như triển khai trồng rừng. Tuy nhiên, do nhu cầu đất đai phục vụ cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số nên việc lấn chiếm đất rừng trên địa bàn diễn biến rất phứctạp. Việc vận động người dân kê khai diện tích đất lâm nghiệp đã lấn chiếm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; thậm chí còn gặp sự chống đối, không đồng thuận của người dân. Phần lớn đối tượng lấn chiếm là người đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích lấn chiếm hiện đang canh tác cho thu nhập ổn định hàng năm, một số diện tích lấn chiếm đã sang nhượng trái phép qua nhiều chủ nên khó thuyết phục người dân trả lại hoặc chuyển sang trồng rừng. Công tác rà soát, phân loại đối tượng lấn chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận đối tượng (người dân địa phương xâm canh từ tỉnh này sang tỉnh khác, địa phương này sang địa phương khác) và không có đủ hồ sơ vi phạm được lập, không xác định được thời điểm chặt phá, lấn chiếm đất rừng…

Ông Thái Thanh Bình-Bí thư Thị ủy Ayun Pa, thành viên đoàn giám sát cho rằng, việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm của người dân để chuyển sang cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng phải tính toán đến lợi ích kinh tế của người dân. Các chủ trương của chúng ta phải đi kèm với hiệu quả kinh tế của người dân, phải tính toán lại hiệu quả của việc trồng rừng, có đảm bảo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện chuyển đổi sang trồng rừng, rồi sau 5 đến 7 năm thì đầu ra sẽ ra sao? người dân có bán được không, với giá như thế nào? Do đó, tỉnh cần làm việc với các doanh nghiệp thu mua, chế biến để xử lý đầu ra ngay từ khi triển khai, tránh tình trạng sau này lại không bán được hoặc bán với giá thấp…Ngoài ra, ông Thái Thanh Bình cũng nói thêm, công tác tuyên truyền, vận động người dân của các cấp, các ngành là hết sức quan trọng, nhưng cần phải đi kèm với các chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện trồng rừng.

 

Theo Nghị quyết 100/NQ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030 thì tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là hơn 741 ngàn ha, trong đó, đất chưa có rừng chiếm hơn 145 ngàn ha. Cụ thể, rừng đặc dụng hơn 59,2 ngàn ha (trong đó, đất có rừng hơn 56,3 ngàn ha, đất chưa có rừng gần 2,9 ngàn ha); rừng phòng hộ chiếm 144,5 ngàn ha (đất có rừng hơn 121 ngàn ha, đất chưa có rừng hơn 23,2 ngàn ha); rừng sản xuất chiếm 537,5 ngàn ha (đất có rừng gần 420 ngàn ha, đất chưa có rừng chiếm gần 118 ngàn ha).

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Phong-Bí thư Tỉnh Đoàn, thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, việc trồng rừng chưa gắn với sinh kế của người dân, trong khi chu kỳ trồng rừng dài (5 đến 7 năm mới cho thu hoạch) là một vấn đề quan trong mà các cấp, các ngành của tỉnh cần tính tới khi triển khai thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng. Ngoài ra, vấn đề đầu ra cũng cần được tính tới, nếu đến thời kỳ thu hoạch mà các sản phẩm này không bán được thì ai chịu trách nhiệm?...


Bà Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh cần nhanh chóng điều chính Kế hoạch số 1123 cho phù hợp với Quyết định số 100/QĐ-HĐND ngày 7-12-2017 của HĐND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Đồng thời, UBND tỉnh có hướng dẫn cụ thể trong công tác thu hồi đất bị lấn chiếm, cũng như việc cấp bìa đỏ cho người dân để các địa phương triển khai thực hiện đạt hiệu quả.

Đề nghị UBND tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đưa các giống cây trồng phù hợp với từng vùng, từng địa phương, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng. Đặc biệt, tỉnh cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư vào triển khai trồng rừng cũng như xây dựng các nhà máy chế biến gỗ nhằm tiêu thu sản phẩm của người dân, đảm bảo đầu ra ổn định... Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và triển khai trồng rừng cũng như có hướng hỗ trợ kinh phí kịp thời cho người dân. Song song đó, tỉnh cũng cần chú trọng đến công tác quản lý bảo vệ rừng và hạn chế việc người dân phá rừng làm nương rẫy.

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.