(GLO)- Sáng 4-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, xúc tiến thương mại, mở rộng và phát triển thị trường; tình hình nông hội, các chính sách phát triển hợp tác xã. Làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT có ông Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban ngành liên quan.
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát bểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh. Ảnh: Lê Nam |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 30.186 tỷ đồng (tăng 5,84% so với cùng kỳ 2019). Tổng diện tích gieo trồng được 549.368 ha cây trồng các loại, đạt 102,4% (tăng 2,99 so với năm 2019). Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp và PTNT bình quân hàng năm đạt 5,18%; tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 11,83% lên 14,29%; tỉ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm từ 85,45 xuống còn 83,25%; tỉ trọng sản xuất ngành dịch vụ nông-lâm nghiệp và thủy sản ổn định (dịch vụ 0,4%, lâm nghiệp 1,3%, thủy sản 0,7%).
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Lê Nam |
Toàn tỉnh đã chuyên đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác được hơn 4.576 ha (đạt 150,2% kế hoạch); tái canh cà phê được hơn 12.587 ha (đạt 92,5% kế hoạch); có hơn 42.800 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organicm Rainforest Alliance và hữu cơ; có hơn 28.130 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tổng diện tích rừng trồng được 33.400 ha. Toàn tỉnh có 234 hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 9.000 thành viên. Toàn tỉnh có 160 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, có 7.004 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành chế biến. Trong xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 149 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh (22 sản phẩm 4 sao, 127 sản phẩm 3 sao)...
Đến nay, 17/17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã ra mắt được 61 mô hình nông hội, với 2.025 thành viên (743 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số). Các nông hội đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể và cơ chế hoạt động theo nguyên tắc 3 không (không bộ máy, không kinh phí, không cơ sở vật chât), 3 tự (tự quản, tự nguyện, tự quyết định công việc của nông hội), 3 cùng (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh thăm Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Lê Nam |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã nêu ra một số khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh như: quy mô canh tác còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, cộng thêm kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng so với yêu cầu. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất với Trung ương hỗ trợ cho tỉnh về đầu tư cho thủy lợi, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như một số điều kiện sản xuất cần thiết để đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu... “Thời gian tới, Gia Lai tiếp tục xác định nông, lâm nghiệp là thế mạnh và là nền tảng ổn định lâu dài. Do đó, tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với công nghiệp chế biến nông-lâm sản, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh tích cực thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển những sản phẩm có giá trị cao như: cà phê, rau hoa, cây dược liệu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Tập trung đẩy mạnh công tác bảo vệ phát triển rừng. Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47,75% và bình quân mỗi năm trồng mới khoảng 8.000 ha rừng. Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có trên 120 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hoan-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao những kết quả tích cực về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cho rằng Gia Lai đã có những định hướng phát triển phù hợp. Đáng ghi nhận là Gia Lai đã quyết liệt trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa với quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản. “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả mô hình nông hội của tỉnh để đưa kiến thức về với nông dân, làm thay đổi được nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Đồng thời, tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng tưới nước tiếp kiệm để tránh lãng phí, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung giải quyết điểm nghẽn trong sản xuất nông nghiệp là “chi phí cao, chất lượng kém” tiến tới sản xuất theo hướng “chi phí thấp, chất lượng cao”-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT-nhấn mạnh.
Trước đó, sáng 4-12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đến tham quan và làm việc với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Dự kiến, ngày 5-12, đoàn đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đến thăm Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai.
LÊ NAM