Mặc dù các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vấn nạn này vẫn diễn tiến đáng báo động, đặc biệt là ngày càng trẻ hóa.
Mâu thuẫn, xích mích trong giao tiếp hàng ngày, trên mạng xã hội dẫn đến thách thức, đe dọa và đánh đập nạn nhân dường như đã trở thành công thức chung của các vụ bạo lực giữa học sinh với nhau. Mới đây, mạng xã hội lan truyền clip một nhóm học sinh lớp 11 (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) hành hung, dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu một học sinh lớp 9.
Trong bản tường trình, nhóm học sinh lớp 11 cho biết nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội. Những ngày gần đây, tại Gia Lai, clip nhóm thiếu niên hành hung nữ sinh lớp 7 cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây bức xúc trong cộng đồng.
Sự việc diễn ra tại đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Trong clip, nữ sinh lớp 7 bị các đối tượng túm tóc, đánh đập túi bụi, dã man, mất nhân tính. Sau đó, nữ sinh này hoảng loạn đến mức không dám về nhà. Trong các bình luận, cộng đồng mạng kịch liệt lên án nhóm thiếu niên, mong sớm có biện pháp mạnh để răn đe hành vi côn đồ này. Công an xã Ia Dêr đang khẩn trương xác minh làm rõ nhóm đối tượng này.

Mặc dù chỉ là mâu thuẫn nhỏ song vì chọn bạo lực để giải quyết đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Năm 2024, vụ việc nam sinh lớp 8 tại Hà Nội bị đánh chết não đã gây rúng động dư luận trong suốt thời gian dài. Vì để giúp em trai giải quyết mâu thuẫn cá nhân, Trương Văn Minh (16 tuổi, trú tại Hà Nội) đã đánh nạn nhân chết não, dẫn đến tử vong. Hành vi bồng bột này đã phải trả giá bằng hình phạt 4 năm 9 tháng tù. Gia đình của Minh cũng phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 1 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2024, tại thị xã An Khê, từ xích mích do bình luận trên mạng xã hội, các nữ sinh THPT vốn không quen biết đã hẹn nhau để “nói chuyện”. Trong khi xô xát, một nữ sinh lớp 11 đã bị đâm tử vong. Chỉ vì một lời nói, xích mích không đáng có mà những học sinh này phải đánh đổi bằng mạng sống, người có hành vi côn đồ phải trả giá bằng cả tương lai trước mắt, để lại sự ám ảnh, nỗi đau, sự day dứt khôn nguôi cho gia đình, người thân, bạn bè và thầy cô.
Những vụ việc kể trên chỉ là phần nổi khi bạo lực trong học sinh vẫn đang ngấm ngầm diễn ra. Do ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, game và cả mạng xã hội đã dẫn đến lệch lạc trong tư tưởng, cách ứng xử, giải quyết vấn đề của học sinh. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường còn thiếu sự quan tâm, thiếu sâu sát, nắm bắt tâm tư để kịp thời định hướng, hóa giải mâu thuẫn, giải tỏa tâm lý cho các em.
Ngoài ẩu đả, đánh đập, bạo lực tinh thần như uy hiếp, đe dọa cũng luôn rình rập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của học sinh. Theo số liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2023, trong 1 năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 em thì có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có 1 trường có học sinh đánh nhau.
Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ bộ quy tắc ứng xử của thầy cô và học sinh. Trong đó, giữa học sinh với nhau cần có ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt. Không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người khác. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bộ quy tắc này ở nhiều trường vẫn còn nặng tính hình thức, không tạo được hiệu quả như mong muốn.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phòng-chống bạo lực học đường vẫn còn khá đơn điệu về hình thức, chưa đa dạng, thu hút được sự tham gia của học sinh. Sự thiếu quan tâm của gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng.
Đã đến lúc toàn xã hội cần có sự đồng bộ về các giải pháp nhằm đẩy lùi bạo lực trong học sinh. Đầu tiên phải đến từ gia đình quan tâm, chăm sóc, định hướng. Tiếp đến là nêu cao vai trò của nhà trường, thầy cô trong nắm bắt tâm lý, tư vấn, ngăn chặn kịp thời các hành vi khiêu khích, gây gổ. Đồng thời, xây dựng một môi trường trường học thân thiện, an toàn bằng nhiều hoạt động bổ ích, mang tính kết nối trong học sinh.
Ngoài các văn bản chỉ đạo của các ngành liên quan thì rất cần một hệ thống pháp lý với chế tài phù hợp, đủ sức răn đe đối với những đối tượng sử dụng bạo lực, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội.