(GLO)- Với việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, tỉnh vẫn rất cần có những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Những kết quả đáng ghi nhận
Ngày 10-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 622/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với trọng tâm là 17 mục tiêu. Trên cơ sở đó, ngày 3-8-2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1695/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh với 16 mục tiêu và 99 nhiệm vụ.
Đến nay, nhiều mục tiêu quan trọng đã được thực hiện. Trong đó, theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) giảm 2%; định hướng đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân trên 3%/năm. Kết quả, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,09%, tương ứng với mức giảm 2%, đạt chỉ tiêu đề ra; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 3%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển. Ảnh: Hà Duy |
Theo Kế hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp. Kết quả, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 6,9%/năm và định hướng giai đoạn 2021-2030 sẽ đạt 6-7%/năm. Theo ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các chương trình khuyến nông nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, khả năng kháng bệnh; tổ chức trồng trọt theo hướng tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO... với diện tích khoảng 227.176,4 ha cây trồng các loại.
Đối với mục tiêu huy động mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các vùng, địa phương trên địa bàn tỉnh, giữa đô thị và nông thôn. Riêng trong năm 2022, tỉnh thực hiện quản lý bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo giao thông thông suốt 372 km tỉnh lộ, 371 km quốc lộ do Sở Giao thông-Vận tải quản lý; tiến hành nâng cấp, sửa chữa 16,6 km tỉnh lộ, 35 km quốc lộ, rà soát bổ sung đầy đủ hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến. Bên cạnh đó, việc đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người cũng là mục tiêu lớn mà tỉnh đặc biệt chú trọng. Năm học 2021-2022, quy mô học sinh mẫu giáo và phổ thông đạt 407.419 học sinh, tăng 0,13% so với kế hoạch đặt ra; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 92%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 99,9% (đạt kế hoạch), cấp THCS đạt 93,7% (vượt 0,1% so với kế hoạch), cấp THPT đạt 57,5% (đạt kế hoạch).
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù
Bên cạnh những kết quả đạt được, Gia Lai cần tập trung giải quyết một số vấn đề như: nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững chủ yếu là nguồn lực công; hạ tầng về thủy lợi còn hạn chế; tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng; trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều bãi rác lộ thiên; tình trạng mất an ninh học đường vẫn xảy ra và một số vấn đề về giáo dục giới tính cho trẻ em trong trường học chưa được quan tâm; thiếu các cơ sở giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật... Những hạn chế đó khiến Gia Lai chỉ xếp vị trí 60/63 tỉnh, thành trên cả nước ở bảng xếp hạng Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI 2021) và ở vị trí cuối trong khu vực Tây Nguyên.
Ngành Giáo dục Gia Lai nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Hà Duy |
Để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2022, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù về phát triển kinh tế rừng trong thúc đẩy liên kết-phát triển vùng; quy hoạch không gian phát triển và xác định các lĩnh vực trọng tâm để đột phá phát triển sinh kế rừng; có chế độ hợp lý cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị sớm được đầu tư kết nối giao thông vùng, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, nâng cấp các cảng hàng không, nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt kết nối Tây Nguyên, tạo điều kiện để Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng trở thành khu vực trọng tâm của lâm nghiệp, chế biến gỗ. Tỉnh cũng đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên phân bổ các nguồn lực để địa phương yên tâm giữ rừng, giữ gìn và phát huy không gian, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, góp phần giữ vững ổn định quốc phòng-an ninh khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc.
Nói về một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhấn mạnh: Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; tổ chức triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
HÀ DUY