Cần chăm sóc sức khỏe thế nào sau cơn đau tim?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đau tim xảy ra khi dòng máu lưu thông đến tim đột ngột bị gián đoạn. Các mô tim sẽ bị tổn thương ngay lập tức. Việc phục hồi sau cơn đau tim phụ thuộc vào can thiệp sớm và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Đau tim có thể gây tử vong. Nếu may mắn qua khỏi, người bệnh phải nằm viện một tuần đến vài tháng. Quá trình phục hồi sẽ phụ thuộc vào thể trạng, bệnh nền, tuân thủ điều trị và một số yếu tố khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Ăn nhiều trái cây, rau củ và giảm các món nhiều chất béo có hại sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát đau tim
Ăn nhiều trái cây, rau củ và giảm các món nhiều chất béo có hại sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát đau tim

Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục uống thuốc và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Một điều cực kỳ quan trọng là phải điều chỉnh chế độ ăn uống, hạn chế chất béo có hại và muối để ngăn ngừa cơn đau tim tái phát trong tương lai.

Chế độ ăn cần ưu tiên rau củ, trái cây. Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực vật sẽ giúp giảm tình trạng viêm và căng thẳng ô xy hóa, vốn là những yếu tố gây suy tim. Các dưỡng chất tự nhiên trong thực vật cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh tim.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần tập thể dục thường xuyên, bỏ thuốc lá và kiểm soát các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra cơn đau tim trong tương lai. Những yếu tố này là huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, căng thẳng, lo âu hay trầm cảm.

Nhiều trường hợp sau khi trải qua đau tim sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc thực hiện các hoạt động thể chất, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi. Tuy nhiên, khả năng đi lại bị ảnh hưởng thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương cơ tim, biến chứng sau đau tim và thể trạng.

Người bệnh có thể cần tham gia các chương trình phục hồi chức năng tim mạch. Họ sẽ được chuyên gia hướng dẫn bằng các bài tập nhẹ nhàng, tăng dần cường độ để cải thiện sức mạnh và khả năng chịu đựng của tim. Những bài tập này có thể là đi bộ, đạp xe chậm hay tập hít thở sâu.

Người đã từng bị đau tim sẽ có nguy cơ cao hơn mắc đau tim lần nữa. Do đó, người bệnh cần chú ý sức khỏe và báo cho bác sĩ biết nếu thấy điều gì bất thường, ngay cả khi đó là nhỏ.

Đặc biệt, họ cần được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu nếu phát hiện các triệu chứng như khó thở, đột nhiên mệt dữ dội, đau ngực, cơn đau lan đến một hoặc cả hai cánh tay, nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi dù không tập thể dục, chóng mặt, chân sưng phù hay ngất xỉu, theo Healthline.

Theo Ngọc Quý (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Căng thẳng dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm

Căng thẳng dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm

(GLO)- Hiện nay, nhiều người vẫn xem nhẹ căng thẳng, đôi khi không nhận ra bản thân đang gặp stress. Thế nhưng, theo các nghiên cứu, căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm, mất ngủ, thậm chí gây ra bệnh tự miễn dịch, ung thư, tim mạch.

Gia Lai nhiều ca sởi biến chứng nặng ở trẻ không tiêm vắc xin

Gia Lai nhiều ca sởi biến chứng nặng ở trẻ không tiêm vắc xin

(GLO)- Cuối tháng 3 vừa qua, Gia Lai ghi nhận 1 bệnh nhi (SN 2020) tử vong nghi do sởi biến chứng nặng. Trường hợp này chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Thống kê cho thấy, hầu hết các ca sởi, nghi sởi biến chứng nặng tại tỉnh đều rơi vào trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ.

Gia Lai: Dừng in thẻ bảo hiểm y tế giấy từ ngày 1-6-2025

Gia Lai: Dừng in thẻ bảo hiểm y tế giấy từ ngày 1-6-2025

(GLO)- Tin từ Bảo hiểm xã hội Gia Lai, từ ngày 1-6-2025, đơn vị dừng in thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy kể cả các trường hợp đề nghị cấp lại và cấp đổi thẻ BHYT, chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt VssID, VNeID và không có căn cước công dân có gắn chíp.