(GLO)- Việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay mới chỉ dừng lại ở khâu kiểm phẩm. Công tác quản lý giết mổ nhìn chung còn yếu dẫn đến thực trạng gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm được bày bán tràn lan không qua kiểm dịch. Và chính những điểm bày bán, giết mổ lậu này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Bát nháo hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm
Qua khảo sát thực tế tại Trung tâm Thương mại TP. Pleiku và các chợ trên địa bàn TP. Pleiku, điều mà chúng ta dễ nhận thấy là tình trạng buôn bán và giết mổ gia cầm sống vẫn hoạt động ngang nhiên dù không được phép. Một đặc điểm chung là điều kiện giết mổ rất mất vệ sinh. Gà, vịt sống đặt dưới sàn, lông, nội tạng bỏ vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bên cạnh không gian chật hẹp đó là một nồi nước sôi đặt bên cạnh, khi có khách hàng yêu cầu thì những điểm giết mổ này làm ngay tại chỗ. Điều đáng lo ngại là hầu hết các điểm bán gia cầm sống đều coi việc giết mổ tại chỗ là việc làm bình thường.
Một điểm giết mổ tại thị xã An Khê. Ảnh: N.G |
Tại huyện Chư Sê, dù đã có cơ sở giết mổ gia súc được tư nhân đầu tư một cách bài bản nhưng tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan vẫn còn khá phổ biến. Ông Lê Sỹ Quý-quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng: Dù Chư Sê đã có 1 cơ sở giết mổ gia súc tập trung nhưng việc quản lý tình trạng giết mổ gia súc gia cầm tại các chợ được xem là khâu khó.
Theo tìm hiểu của phóng viên và phản ánh của người dân, tại TP. Pleiku có rất nhiều điểm giết mổ heo lậu. Tại đây, có gia đình mỗi đêm giết cả chục con heo trong điều kiện vệ sinh không được đảm bảo. Gần sáng thịt heo được vận chuyển bằng xe máy vào chợ đêm. Các tiểu thương nơi đây cắt nhỏ ra trà trộn với thịt heo đã qua kiểm dịch và bày bán công khai.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trên toàn địa bàn có khoảng 219 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều do tư nhân quản lý. Trong tổng số cơ sở giết mổ trên chỉ có 4 địa phương có lò giết mổ gia súc tập trung là huyện Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai và Chư Sê và 2 cơ sở giết mổ gia cầm tại TP. Pleiku và huyện Đak Đoa, còn lại tất cả đều chưa được cấp phép. Quy mô các điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong dân cư, vì vậy việc quản lý giết mổ gặp nhiều khó khăn. Tình trạng chung của các điểm giết mổ gia súc, gia cầm là giết mổ ngay trên nền nhà, trên sân có diện tích chật hẹp, không bảo đảm theo quy định… Đa số các cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Có một thực tế hiện nay là khi ngành chức năng đến kiểm tra thì các hộ giết mổ tự do đem vào cơ sở giết mổ tập trung, còn hết kiểm tra thì họ vẫn quay lại đường cũ. Họ luôn tìm cách đối phó bằng những thủ thuật tinh vi, khó kiểm soát như tổ chức giết mổ vào nửa đêm, phi tang ngay vật chứng... Quản lý các hộ giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà khá khó, trong khi đó người tiêu dùng vẫn còn chấp nhận sử dụng những thực phẩm không rõ xuất xứ, chưa được cơ quan chức năng kiểm soát, chứng nhận.
Điều nói trên đã vô tình tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ hộ gia đình vẫn tồn tại, thản nhiên tự do hành nghề. Chị Lê Thị Mỹ Thanh-người tiêu dùng cho rằng: “Khi không có dịch bệnh xảy ra thì mua thịt ở đâu cũng được, tôi không quan tâm nhiều đến sản phẩm đó đã qua kiểm dịch hay chưa. Hàng ngày đi làm về, tôi ghé qua các sạp bán hàng ở lề đường mua cho tiện chứ vô chợ mất thời gian”.
Về vấn đề này, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh nói: Khoảng 30% gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm được kiểm soát còn lại là buông lỏng hoàn toàn và chủ yếu tập trung kiểm phẩm sản phẩm gia súc, gia cầm ở các chợ.
Quản không xuể
Theo tiêu chí quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì trên 95% số điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu. Điều này dẫn đến nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực trạng này, Chi cục Thú y đã chỉ đạo Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tình thế, tạm thời và đặc biệt là việc kiểm tra tại chợ không thể kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm gia súc, gia cầm.
Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Qua kiểm tra, một số cơ sở đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm thông qua kiểm tra trong thời gian qua chỉ đạt 30% trên tổng số điểm giết mổ hiện có trên toàn địa bàn.
Việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, dù có cố gắng nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp giết mổ trái phép, bày bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, đặc biệt là ở các chợ tạm, vỉa hè và các vùng nông thôn mà ngành thú y không thể kiểm soát hết. Việc chưa xây dựng được điểm giết mổ tập trung tại khu vực thành phố, trên địa bàn các huyện, khiến ngành chức năng rất khó kiểm soát được đầu vào cũng như đầu ra của các sản phẩm để kiểm soát tình hình dịch bệnh của động vật.
Ảnh: K.N.B |
Nguyên nhân là do các địa phương còn buông lỏng quản lý, không xây dựng quy hoạch các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Nhiều cấp chính quyền cho rằng việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm là nhiệm vụ của cơ quan chuyên ngành, dẫn đến tình trạng lơ là, đùn đẩy trách nhiệm. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở, điểm giết mổ. Điển hình như tại TP. Pleiku-trung tâm chính trị-kinh tế-xã hội của tỉnh nhưng vẫn không quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Cũng theo ông Dương Ngọc Thanh, theo quy định thì người giết mổ cần đưa thú sống để kiểm tra nguồn gốc trước, sau đó mới đến công đoạn giết mổ và lăn dấu rồi đến tay người tiêu dùng. Nhưng hiện nay điều này chỉ thực hiện theo quy trình đối với những cơ sở giết mổ tập trung đã được cấp phép do lực lượng cán bộ thú y quá mỏng.
Anh Khoa