Cam kết chung tay phòng-chống bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Gia Lai, bệnh dại là một trong các bệnh có số ca tử vong cao nhất. Tại lễ mít tinh phòng-chống bệnh dại diễn ra tại huyện Đức Cơ mới đây, các sở, ban, ngành và địa phương đã cùng cam kết chung tay phòng-chống loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Những con số đáng báo động

Ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh-thông tin: Gia Lai là địa phương ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao trong những năm vừa qua. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 14 ca tử vong do bệnh dại; năm 2024 ghi nhận 9 ca. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 34 ca mắc và tử vong do dại ở 18 tỉnh, thành phố; trong đó, Gia Lai là 1 trong 2 tỉnh có số ca tử vong cao nhất với 4 ca.

“Cả 4 ca đều không tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dại, việc tăng cường các hoạt động phòng-chống bệnh là hết sức cần thiết.

Năm nay, huyện Đức Cơ được chọn làm điểm tổ chức mít tinh phòng-chống bệnh dại bởi đây là địa phương trọng điểm với 5 trường hợp tử vong trong 2 năm 2023 và 2024. Việc tổ chức mít tinh nhằm góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong phòng-chống bệnh dại, tiến tới giảm thiểu số người mắc và tử vong do bệnh dại trong thời gian tới”-ông Đồng cho hay.

2.jpg
Để phòng-chống bệnh dại hiệu quả, người dân cần tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và quản lý vật nuôi theo đúng quy định. Ảnh: C.T.V

Theo ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế: Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại. Nguồn bệnh là các động vật có vú máu nóng mà chủ yếu là chó và mèo. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng-chống bệnh dại.

“Các trường hợp tử vong hầu hết do không tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó, mèo dại cắn. Một số trường hợp sau khi bị chó, mèo cắn không đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại mà thờ ơ, chủ quan hoặc tìm đến các thầy lang để bốc thuốc chữa bệnh theo phương pháp dân gian chưa được Bộ Y tế công nhận.

Hướng đến mục tiêu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải có cam kết chính trị dựa trên nền tảng vững chắc của các dịch vụ y tế và thú y, tầm quan trọng của công tác phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả công tác phòng-chống bệnh dại”-ông Nam nhấn mạnh.

Quyết tâm đẩy lùi bệnh dại

Với quyết tâm đẩy lùi bệnh dại, tại lễ mít tinh phòng-chống bệnh dại tổ chức tại huyện Đức Cơ vào ngày 20-5 vừa qua, đại diện lãnh đạo UBND huyện và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã cùng ký cam kết chung tay phòng-chống bệnh dại.

Trong đó, ngành Y tế phấn đấu đảm bảo 100% người bị chó dại cắn phải được xử lý vết thương đúng theo hướng dẫn và tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại đúng quy định; tăng cường các hoạt động truyền thông để mọi người dân biết chỉ có một biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại khi bị chó, mèo nghi dại cắn là phải được tiêm phòng vắc xin, huyết thanh kháng dại.

Bên cạnh đó, ngành Thú y cũng phấn đấu tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại ở đàn chó, mèo hàng năm đạt tối thiểu 80% tổng đàn trên từng địa bàn được tiêm phòng dại.

Ông Thái Văn Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận và xử lý, bao vây khống chế kịp thời 9 trường hợp dại và nghi dại trên động vật.

Với đặc thù là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng; đàn chó, mèo nuôi lớn với hơn 210.000 con, chủ yếu là nuôi thả rông; nhận thức của người dân về sự nguy hiểm cũng như biện pháp phòng-chống bệnh dại trên động vật và trên người còn rất nhiều hạn chế; cơ sở vật chất điều trị dự phòng trên người còn thiếu…, công tác triển khai phòng-chống và hướng tới thanh toán bệnh dại theo chương trình quốc gia cũng như kế hoạch của tỉnh cũng gặp phải không ít khó khăn.

nguoi-dan-khi-bi-cho-meo-nghi-dai-cao-can-can-chu-dong-tiem-vac-xin-phong-chong-benh-anh-nhu-nguyen.jpg
"Người dân khi bị chó, mèo nghi dại cào, cắn cần chủ động tiêm vắc xin phòng-chống bệnh. Ảnh: N.N

Theo ông Dũng, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phòng-chống bệnh dại, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được hơn 65.000 liều vắc xin dại, đạt khoảng 29,9% tổng đàn chó, mèo.

Thời điểm này, các lực lượng liên quan vẫn đang nỗ lực, quyết tâm triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng-chống bệnh dại và quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh.

Để phòng-chống bệnh dại hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiến nghị cần có sự đồng lòng, quyết tâm để triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng-chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Trong đó, cần tiếp tục phối hợp và phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong của lực lượng thú y và y tế; sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương; sự đồng lòng phối hợp của các cơ quan, ban, ngành. Vấn đề quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người nuôi chó, mèo và tất cả người dân.

Có thể bạn quan tâm

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai khám sức khoẻ cho đoàn cán bộ cấp cao Vương quốc Campuchia

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai khám sức khoẻ cho đoàn cán bộ cấp cao Vương quốc Campuchia

(GLO)- Nhân dịp đoàn cán bộ cấp cao 3 tỉnh gồm: Preah Vihear, Stung Treng và Ratanakiri- Vương quốc Campuchia đến thăm, làm việc; chiều 23-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã tiếp và dẫn đoàn tham quan và thăm khám sức khoẻ tổng quát tại Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai.