(GLO)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, chất lượng huấn luyện của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai được nâng lên rõ rệt.
Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cao
Những năm qua, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đã có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng huấn luyện. Bên cạnh việc xây dựng đầy đủ thao trường, bãi tập, mô hình học cụ thì hệ thống giáo án, bài giảng của đội ngũ giáo viên cũng được chuẩn bị chu đáo, trải qua nhiều khâu phê duyệt chặt chẽ. Trung tá Nguyễn Hữu Quyết-Chính trị viên Tiểu đoàn-cho biết: “Đơn vị đã chủ động đổi mới toàn diện cả về nội dung và phương pháp huấn luyện; hoàn thiện cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành huấn luyện theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả. Từ đó, tạo chuyển biến thực chất, toàn diện, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị luôn được tổ chức huấn luyện giỏi, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Nét nổi bật trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 765 là các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh đã tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình huấn luyện chiến sĩ mới, huấn luyện phân đội, chiến thuật, thể lực và chương trình giáo dục chính trị bảo đảm phù hợp, tạo cơ sở khoa học vững chắc để nâng cao chất lượng huấn luyện. Các đơn vị cũng thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tập huấn cán bộ; duy trì có nền nếp, chặt chẽ, nghiêm túc chế độ thực luyện, thông qua, phê duyệt giáo án, bài giảng gắn với thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá kết quả. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực, tổ chức phương pháp huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác huấn luyện tại Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho hay: “Chúng tôi xác định, công tác huấn luyện phải xuất phát từ đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng và theo phương châm “Cơ bản-Thiết thực-Vững chắc”; vận dụng tốt “3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp”, tạo bước đột phá trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nhờ đó, hàng năm, 100% các nội dung huấn luyện đạt yêu cầu, trong đó có từ 75% trở lên đạt khá, giỏi. Cùng với đó, các đơn vị duy trì nền nếp chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Cũng theo Đại tá Lê Kim Giàu, nhờ thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 765, lực lượng vũ trang tỉnh đã nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; bộ đội đã thành thục trong chiến đấu độc lập và hợp đồng tác chiến. Việc huấn luyện đêm, hành quân dã ngoại, phòng tránh, đánh trả được thực hiện thường xuyên. Qua đó, các đơn vị đã thuần thục với địa bàn của tỉnh, sẵn sàng tác chiến trong điều kiện địch sử dụng vũng khí công nghệ cao.
Huấn luyện sát địa bàn, đối tượng tác chiến
Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) là đơn vị được trang bị nhiều vũ khí, phương tiện hiện đại. Ngoài nhiệm vụ là mũi chủ công chế áp, tiêu diệt hỏa lực địch, Lữ đoàn còn phối hợp với các đơn vị khác để chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch. Chính vì thế, đơn vị đã triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng huấn luyện, phối hợp quân-binh chủng. “Chúng tôi luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huấn luyện đúng, đủ nội dung và tăng cường diễn tập, luyện tập. Cùng với đó, tổ chức huấn luyện đêm, hành quân dã ngoại để bộ đội hiểu rõ địa hình và điều kiện tác chiến sát với địa bàn, đối tượng”-Thượng tá Nguyễn Đức Chung-Chính ủy Lữ đoàn-chia sẻ.
Không chỉ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 mà nhiều năm qua, Quân đoàn 3 đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác bảo đảm về vật chất, đồ dùng, trường bắn, thao trường để nâng cao chất lượng huấn luyện. Trong 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cùng với hàng vạn ngày công lao động để xây dựng mới hệ thống trường bắn, thao trường, bãi tập, giảng đường, phòng học, làm mô hình học cụ, xây dựng công trình chiến đấu... Quân đoàn là đơn vị đầu tiên trong toàn quân có hệ thống thao trường huấn luyện chuyên ngành kỹ thuật đầy đủ, đảm bảo khả năng huấn luyện cho các đối tượng. Đồng thời, từ năm 2013 đến nay, Quân đoàn 3 đẩy mạnh nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và đã có 326 sáng kiến, trong đó 187 sáng kiến có giá trị cao được công nhận và ứng dụng rộng rãi trong toàn đơn vị.
Quân đoàn 3 cơ động lực lượng cơ động diễn tập. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Trao đổi với P.V, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn-Tư lệnh Quân đoàn 3-cho biết: Từ năm 2012 trở về trước, đối với huấn luyện hậu cầu, đơn vị lấy lý thuyết kết hợp với mô hình bếp Hoàng Cầm cấp I, mắc tăng võng, thao trường vận tải, quân y bằng xốp là chủ yếu nên hiệu quả không cao. Sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 765, công tác huấn luyện hậu cần của đơn vị đã có sự đổi mới, lấy thực hành là chủ yếu. Từ đó, khả năng bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và hậu cần thường xuyên, đột xuất, sát với điều kiện của đơn vị và thực tế chiến đấu được bảo đảm, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Từ năm 2013 đến nay, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã trực tiếp tổ chức, chỉ đạo diễn tập chỉ huy-cơ quan một bên hai cấp ngoài thực địa có một phần thực binh cho Sư đoàn Bộ binh 10, Sư đoàn Bộ binh 31, Sư đoàn Bộ binh 320 và 4 lữ đoàn, binh chủng. Kết quả diễn tập đạt khá, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Qua diễn tập, tư duy về chiến thuật, trình độ tổ chức chỉ huy và trình độ công tác tham mưu tác chiến, khả năng hiệp đồng của chỉ huy-cơ quan các cấp đã nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong 10 năm qua, Quân đoàn 3 có 70 lượt đầu mối cơ quan, đơn vị được Bộ Quốc phòng công nhận đơn vị “Vững mạnh toàn diện” và “Mẫu mực tiêu biểu”.
VĨNH HOÀNG