Từ đầu năm đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Lực lượng chức năng phun thuốc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm tại xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Ảnh: P. HẠNH
Ông Phạm Văn Đông, cục trưởng cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), thông tin như vậy tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc diễn ra sáng 13-2.
Theo ông Đông, đến ngày 11-2 chỉ có 1 ổ dịch cúm A/H5N6 xảy ra tại hộ chăn nuôi tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) đã qua 21 ngày không ghi nhận có gia cầm chết mới, 9 ổ dịch còn lại chưa qua 21 ngày (các ổ dịch này đều mới phát hiện đầu tháng 2-2020).
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết từ năm 2002, đặc biệt đỉnh điểm năm 2004, đại dịch cúm gia cầm gây tổn thất rất lớn cho ngành chăn nuôi với 45 triệu con gia cầm đã phải tiêu hủy.
Sau giai đoạn đó, dù có nhiều tiến bộ trong ngành chăn nuôi, tuy nhiên ông Cường cho rằng dịch cúm gia cầm rất dễ phát sinh biến chủng và là một trong những bệnh mà lan truyền nhanh qua đường hô hấp.
"Dịch cúm gia cầm hiện nay có 5 yếu tố nhãn tiền. Thứ nhất, mầm bệnh ở Việt Nam phải khẳng định nơi nào cũng có, mật độ chăn nuôi ở mức độ cao nhất từ trước đến nay, diễn biến thời tiết trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan rất bất lợi cho công tác ứng phó, lưu thông luân chuyển hàng hóa thời điểm này rất lớn, trong đó có gia cầm và các sản phẩm của gia cầm. Tập quán thói quen, buôn bán giết mổ ở nhiều vùng còn theo truyền thống nên xác suất lây nhiễm dịch bệnh lúc nào cũng có thể xảy ra" - Bộ trưởng Cường nói
Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 13-2 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Người đứng đầu ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương không chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở một điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát ra nhiều điểm là rất lớn. Vì vậy, phải quyết tâm không để bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời điểm này.
"Đây là thời điểm đàn lớn nhất, sản lượng cao nhất nếu không tính kỹ thì nay mai sẽ rơi vào tình trạng ế. Yêu cầu các tỉnh rà soát lại, tuyên truyền đến người dân vì mùa nóng sắp đến rồi, nhu cầu ăn thịt ít đi mà vẫn tăng trưởng đàn và sản lượng như vừa qua (15,6% - PV) là chết" - Bộ trưởng Cường lưu ý thêm.
Chí Tuệ (TTO)