Buông lỏng quản lý, hơn 2 ngàn ha đất rừng bị lấn chiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cơ quan chức năng vừa chuyển 2 vụ lấn chiếm đất rừng phòng hộ trên địa bàn thị xã An Khê, huyện Đak Pơ sang Cơ quan Điều tra vì có dấu hiệu tội phạm.

Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển hàng ngàn ha đất rừng tại địa bàn thị xã An Khê nhưng Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Bắc An Khê và BQLRPH Ya Hội đã buông lỏng quản lý khiến hơn 2.000 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trong đó có hàng trăm ha rừng tự nhiên biến mất. Hầu hết diện tích đất bị lấn chiếm này người dân đã trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, bạch đàn...

Hàng trăm ha rừng… biến mất

 

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê để người dân lấn chiếm 1.266,3 ha đất lâm nghiệp. Ảnh: M.N
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê để người dân lấn chiếm 1.266,3 ha đất lâm nghiệp. Ảnh: M.N

Cụ thể, năm 2012, BQLRPH Ya Hội được giao quản lý hơn 13.182 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã Ya Hội, Phú An (huyện Đak Pơ), phường Ngô Mây, xã Song An (thị xã An Khê). Trong đó, tại thị xã An Khê, phần đất lâm nghiệp có diện tích là 1.289,3 ha. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, đơn vị này đã để người dân lấn chiếm đến 882,62 ha (hơn 68% diện tích được giao quản lý). Nghiêm trọng hơn, trong số này, ngoài gần 716 ha đất lâm nghiệp không có rừng còn có 166,72 ha đất có rừng (gồm 118 ha rừng tự nhiên và 48,7 ha rừng trồng thông).

Tại BQLRPH Bắc An Khê, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn. Theo đó, diện tích đất lâm nghiệp đơn vị này được giao quản lý bị lấn chiếm lên đến 1.266,3 ha trên tổng số 1.466,3 ha (chiếm 86,3%). Hiện đơn vị chỉ còn quản lý khoảng 200 ha nhưng diện tích ít ỏi này vẫn không ngừng bị lấn chiếm. Trong số đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, diện tích rừng tự nhiên là hơn 211,5 ha (chiếm 59,2% tổng diện tích rừng tự nhiên), đất rừng trồng 219 ha (chiếm hơn 80% diện tích đất rừng trồng). Đáng chú ý, một số diện tích khác như: đất trống 365,5 ha, đất tạm giao để trồng rừng nguyên liệu cho nhà máy MDF trên 470 ha đã bị lấn chiếm 100%.

Tuy vậy, hiện các BQLRPH Bắc An Khê và Ya Hội mới chỉ xử lý được vài vụ vi phạm trong việc lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng tự nhiên. Đơn cử, từ năm 2010 đến nay, BQLRPH Ya Hội chỉ lập biên bản được 70,1 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm (khoảng 7,9% tổng diện tích bị lấn chiếm). Phát hiện 7 vụ lấn chiếm đất rừng tự nhiên nhưng chỉ xử lý được 1 vụ với 1,1 ha. Trong khi đó, BQLRPH Bắc An Khê cũng chỉ lập biên bản và báo cáo chính quyền địa phương diện tích 135,3 ha bị lấn chiếm (khoảng 10,68% diện tích bị lấn chiếm). Năm 2013, BQLRPH Bắc An Khê ban hành đến 46 quyết định xử lý vi phạm, thu hồi diện tích bị lấn chiếm 37,8 ha trên địa bàn xã Xuân An, Cửu An (thị xã An Khê) nhưng do thiếu kiểm tra, đôn đốc nên phần diện tích thu hồi này vẫn còn… nằm trên giấy.

Chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra

 

Tình trạng lấn chiếm đất rừng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu dựng lại một khi các đơn vị này còn buông lỏng trong công tác quản lý. Ảnh: M.N
Tình trạng lấn chiếm đất rừng của người dân vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại một khi các đơn vị này còn buông lỏng trong công tác quản lý. Ảnh: M.N

Cơ quan chức năng của tỉnh xác định, trong công tác quản lý bảo vệ rừng, các đơn vị trên còn để xảy ra sai phạm, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành khiến đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn trong khoảng thời gian dài mà không có biện pháp khắc phục. Đối với BQLRPH Ya Hội, trong việc để mất rừng với diện tích lớn (166,7 ha), trách nhiệm thuộc về ông Trương Duy Sinh-Trưởng BQLRPH Ya Hội hiện nay. Còn tại BQLRPH Bắc An Khê, các ông Nhữ Công Định, Lê Việt Hào, Đỗ Hữu Long (nguyên lãnh đạo BQLRPH Bắc An Khê qua các thời kỳ) và ông Phan Thanh Hải-Trưởng BQLRPH Bắc An Khê hiện nay là những người chịu trách nhiệm trong việc để 211,5 ha rừng tự nhiên bị lấn chiếm.

Theo đó, cơ quan chức năng kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra để làm rõ việc các cá nhân của BQLRPH Ya Hội do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đã để mất 166,72 ha rừng (118,2 rừng tự nhiên và 48,7 ha rừng trồng thông) theo Điều 285 Bộ luật Hình sự. Tương tự, việc để mất 251,9 ha rừng (211,5 ha rừng tự nhiên và 40,4 ha rừng trồng bạch đàn) của các cá nhân thuộc BQLRPH Bắc An Khê cũng bị đề nghị xử lý theo quy định tại điều luật trên.

Hiện toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh để điều tra, xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Báo Gia Lai sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát

Ayun Pa hỗ trợ nhà ở cho 32 hộ nghèo

(GLO)- Sáng 22-11, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại thị xã Ayun Pa “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hội thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Công bố 14 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hội

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định 705/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính (TTHC) mới và 7 TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về Hội thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.