Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tiếp cận nền nông nghiệp với tầm nhìn, tư duy mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 7-2, đoàn công tác do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai về tình hình phát triển ngành nông nghiệp năm 2022 và chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023.

Làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ayun H’Bút-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã thông tin về tình hình phát triển ngành nông nghiệp tỉnh trong năm 2022.

Theo đó, năm 2022, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản ước tính 33.823 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,67% so với năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng là 562.759 ha, đạt 101,27% kế hoạch, tăng 15.151 ha so với năm trước.

Hoạt động sản xuất có sự chuyển biến tích cực từ theo sản lượng lớn, chất lượng chưa cao sang sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm được nâng lên, đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi liên kết do doanh nghiệp làm đầu chuỗi gắn giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Toàn tỉnh hiện có 233.523 ha cây trồng các loại, sản xuất đạt các tiêu chuẩn chiếm 41% tổng diện tích gieo trồng. Các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi 2.944 ha sang các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hiện có 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 303 hợp tác xã nông nghiệp, 2 liên hiệp hợp tác xã; đã công nhận 311 sản phẩm OCOP, trong đó có 49 sản phẩm đạt 4 sao và 262 sản phẩm đạt 3 sao.

Đến nay, toàn tỉnh có 91/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt tỷ lệ 50%, chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 3/17 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng NTM.

Năm 2023, tỉnh Gia Lai phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cụ thể như: Tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản đạt 35.768 tỷ đồng, tăng 5,75% so với năm 2022. Tổng diện tích dự kiến gieo trồng khoảng 570.218 ha.

Về lâm nghiệp, bảo vệ 100% diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng 8.000 ha rừng; khoán quản lý, bảo vệ 145.000 ha rừng. Khai thác rừng trồng 157.000 m3. Tỷ lệ che phủ rừng chung đạt 47,33% (trong đó tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,12%).

Phấn đấu năm 2023 có ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp tỉnh, có sản phẩm OCOP 5 sao. Phấn đấu 9 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 41 thôn, làng đạt chuẩn NTM theo tiêu chí mới.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đưa ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, tỉnh kiến nghị về việc khởi công và triển khai thực hiện Dự án hồ chứa nước Ia Thul, cũng như có hướng dẫn cụ thể triển khai các bước tiếp theo của Dự án hệ thống công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông), tháo gỡ vướng mắc liên quan đến Dự án sân golf Đak Đoa, ủy quyền sở hữu tín chỉ carbon cho UBND cấp tỉnh để thực hiện bán tín chỉ carbon tạo nguồn thu để chi cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh tháo gỡ những vướng mắc xung quanh công trình thủy lợi Ia Mơr. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, có hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cho thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu, ủy quyền sở hữu tín chỉ carbon, thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Với tinh thần làm việc cởi mở, các thành viên đoàn công tác cho rằng, ngành nông nghiệp của Gia Lai vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng, trung tâm. Tỉnh cần tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, nghị quyết liên quan đến kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, kiện toàn và chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để tăng thu nhập cho người dân.

Đối với Dự án hồ chứa nước Ia Thul, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã lên kế hoạch bố trí vốn, dự kiến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 sẽ tiến hành khởi công. Về Dự án hệ thống công trình thủy lợi Ia Mơr, Bộ đã làm việc với tỉnh Đak Lak về việc sẽ chuyển một phần vùng tưới sang tỉnh này. Đồng thời, báo cáo Chính phủ sẽ chuyển vùng tưới và không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên 4.700 ha vì có nhiều vấn đề phát sinh, rất khó khăn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, Gia Lai là viên ngọc quý với thế mạnh nổi trội về bản sắc văn hóa, dân tộc, tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề là làm như thế nào để viên ngọc này tỏa sáng, được nhiều người biết hơn.

Theo Bộ trưởng, cần thay đổi cách tiếp cận nền nông nghiệp với tầm nhìn, tư duy mới là tư duy kinh tế, tư duy thị trường gắn với việc xây dựng niềm tin thị trường bằng hoạt động sản xuất có trách nhiệm. Thông qua việc nhìn nền kinh tế bằng tư duy tích hợp để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng được xây dựng từ các yếu tố văn hóa, xã hội, bản sắc cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng chính là những thế mạnh của tỉnh. Gia Lai cần phải kích hoạt các yếu tố mang giá trị cốt lõi này, phát huy tinh thần cộng đồng thông qua mô hình nông hội để giúp người dân thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp.

Liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, một trong những điều kiện để thu hút nhà đầu tư chính là trách nhiệm doanh nghiệp đối với người dân về sinh kế, tạo việc làm. Bộ trưởng mong muốn, Gia Lai đồng hành cùng Bộ vượt qua những rào cản, lấy con người là trung tâm trong quá trình phát triển, thay đổi tư duy phát triển theo dạng tích hợp để các sản phẩm làm ra có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.