Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: Mô hình nông hội ở Gia Lai đang mang lại kết quả tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Dự tại điểm cầu Gia Lai có ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay cả nước đã có 5.813/8.227 xã đạt chuẩn NTM, tăng 2,4% so với cuối năm 2021. Trong đó, 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 254 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tăng 41 đơn vị so với cuối năm 2021. Bên cạnh đó, 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với tổng số 8.340 sản phẩm của 4.273 chủ thể đạt 3 sao trở lên đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường tiêu thụ.

 Quầy trưng bày các sản phẩm OCOP Gia Lai thu hút khách tham quan du lịch tại Biển Hồ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Quầy trưng bày các sản phẩm OCOP Gia Lai thu hút khách tham quan du lịch tại Biển Hồ. Ảnh: Nguyễn Diệp



Tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai một số nội dung chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 như: phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM; khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và phấn đấu 60% số thôn, buôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới… được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND tỉnh quy định.

Đặc biệt, Chương trình bổ sung những điểm mới so với giai đoạn 2016-2020 như hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu kinh tế nông thôn; đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, ưu tiên phát triển thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; xây dựng NTM thông minh… Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng.

Tại Gia Lai, qua 11 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm TP. Pleiku và 2 thị xã An Khê, Ayun Pa; 91/182 xã đạt chuẩn NTM và 118 thôn, làng đạt chuẩn NTM, trong đó 104 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; số tiêu chí bình quân đạt 16,7 tiêu chí/xã. Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đạt 31.868 tỷ đồng…

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có 120 xã đạt chuẩn NTM trở lên, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 10 địa phương cấp huyện đạt chuẩn NTM… Trong đó, tập trung triển khai một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân gắn với phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng NTM”; xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025. Định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn phát triển công nghiệp chế biến…; đồng thời cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho huyện Kbang 60 tỷ đồng để hoàn thành huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Xây dựng NTM là một trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn mang lại giá trị bền vững, hướng mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu ngoài nguồn vốn Trung ương, các địa phương cần lồng ghép, huy động các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình hiệu quả; đa dạng quy hoạch cảnh quan nông thôn, tổ chức lại sản xuất để tăng thu nhập cho nông thôn; đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nâng cao sản phẩm OCOP…

Đặc biệt, các địa phương trong cả nước cần học và nhân rộng một số mô hình phát triển kinh tế nông thôn ở các tỉnh, thành khác nhau, trong đó có mô hình nông hội ở Gia Lai đang mang lại kết quả tích cực.
 

 NGUYỄN DIỆP

 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.