.
Quang cảnh hội nghị điểm cầu tại trụ sở Công an tỉnh Gia Lai. Ảnh: R'Ô HOK |
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tại 63 điểm cầu trên cả nước. Đại tướng Tô Lâm-Uỷ viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Dự tại điểm cầu Gia Lai có đồng chí Trương Văn Đạt-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Công an tỉnh.
Theo đó, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 28-11-2023, gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo viên trình bày tóm tắt nội dung cơ bản Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiến độ, kết quả xây dựng dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; kết quả xây dựng chương trình, tài liệu huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và phổ biến danh mục, kiểu dáng, màu sắc, tiêu chuẩn định mức trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Dự hội nghị điểm cầu tại trụ sở Công an tỉnh Gia Lai có đồng chí Trương Văn Đạt-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh (bìa phải). Ảnh: R'Ô HOK |
Hội nghị cũng được nghe các đại diện lãnh đạo UBND, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phát biểu ý kiến, kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan, như: việc triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa phương; quy định số lượng thành viên tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; các chế độ chính sách cho lực lượng tham gia; điều kiện nơi làm việc, trang bị quản lý trang thiết bị để phục vụ công việc...
Kết luận tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm đề nghị thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong hành động để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ triển khai luật này tại địa phương.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, bố trí ngân sách mua sắm trang, thiết bị, địa điểm nơi làm việc để đảm bảo yêu cầu của lực lượng tại cơ sở tham gia bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật…