Bịt lỗ hổng gây thiếu điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quy hoạch điện trước đây đã bộc lộ hạn chế khá lớn là để xảy ra nguy cơ không đáp ứng đủ điện cho miền Nam - đầu tàu kinh tế của cả nước.


Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến lần đầu tại một hội nghị tổ chức ở Hà Nội đã nêu một trong các định hướng chính là đa dạng hóa nhiên liệu, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu.

Phát triển vượt quy hoạch

Dịp này, hiệu quả của quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được đánh giá một cách khách quan. Trong đó, đáng lưu ý là tỉ lệ xây dựng nguồn điện đạt khá cao, tới 93,7% tổng công suất nhưng cơ cấu có nhiều khác biệt. Cụ thể, nhiệt điện chỉ đạt 57,6% so với quy hoạch, còn năng lượng tái tạo (NLTT) vượt mức tới 205% do các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, dẫn tới khó khăn cho cân đối cung cầu giai đoạn 2021-2025 do số giờ vận hành của NLTT chỉ bằng 1/3 nguồn khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), nhìn nhận quy hoạch điện VII được lập cách đây hơn 10 năm, khi NLTT như gió và mặt trời còn quá đắt đỏ và chưa có nhiều nghiên cứu về việc tích hợp các dạng nguồn phi truyền thống này vào lưới điện quốc gia nên chưa có nhiều điều kiện để xem xét một cách đầy đủ. Khi đó, quy hoạch cũng chưa đề cập được khả năng thiết lập mô hình vận hành với tỉ trọng lớn của điện gió và điện mặt trời trong tổng nguồn điện, trong khi đây là dạng nguồn không phát ổn định được, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên.


 

Sự phát triển của lưới truyền tải không theo kịp nguồn điện đã khiến có những thời điểm bị quá tải cục bộ Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Sự phát triển của lưới truyền tải không theo kịp nguồn điện đã khiến có những thời điểm bị quá tải cục bộ Ảnh: HOÀI DƯƠNG


"Mặt khác, về lý thuyết, không có bất kỳ rào cản kỹ thuật nào đối với việc duy trì tỉ trọng nguồn điện tái tạo cao trong cơ cấu nguồn điện quốc gia nhưng thực tế, câu hỏi đặt ra là Chính phủ sẽ có những chính sách dài hạn gì về giá mua NLTT, hỗ trợ và thúc đẩy đầu tư hệ thống truyền tải… nhằm thu hút được vốn tư nhân?" - ông Sơn đặt vấn đề.

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, đánh giá giữa quy hoạch và phát triển nguồn điện thực tế không khớp nhau là do khả năng dự báo thấp, thể hiện rõ nhất ở câu chuyện điện gió, điện mặt trời.

"Cấp phép cho các dự án NLTT không phù hợp với quy hoạch nguồn tương ứng với lưới điện, dẫn đến quá tải cục bộ. Bài học rút ra cho quy hoạch điện VIII cần tính toán chi ly nguồn điện phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của lưới điện, khả năng thiết kế lưới điện tránh phát sinh tắc nghẽn. Công tác cấp phép dự án cũng cần bám sát vào quy hoạch cũng như thực trạng lưới điện, ngược lại quy hoạch cần có tính dự báo để tránh bị động so với sự phát triển của thực tế" - ông Long phân tích và cho rằng quy hoạch sắp tới cần xây dựng dựa trên tinh thần của Nghị quyết 55 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành đầu năm nay là ưu tiên NLTT.

Khắc phục tầm nhìn... quá ngắn

Chiều 22-11-2016, kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Buổi tối cùng ngày, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp báo chuyên đề về việc dừng thực hiện dự án điện hạt nhân này. Đến nay, sau chưa tới 4 năm, chưa có báo cáo hay thuyết minh chính thức nào từ phía Bộ Công Thương, Chính phủ… cho thấy đã đến lúc khởi động lại điện hạt nhân hay chưa. Song, ý tưởng về một dự án điện hạt nhân đã được khơi lại trong bản dự thảo quy hoạch điện VIII đang được lấy ý kiến.

Câu chuyện trên chỉ là một ví dụ cho thấy các bản quy hoạch điện và các chủ trương điều hành có thể đã chưa đánh giá thực sự đúng đắn về vai trò của một nguồn điện nào đó trong dài hạn. Bởi thời điểm quyết định dừng dự án điện hạt nhân, đại diện Chính phủ nói không phải do vấn đề an toàn hay công nghệ, mà do những diễn biến thực tế của tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân cần rất nhiều thời gian để hoàn thành và cần dự báo đến thời điểm có thể hoàn thành chứ không phải thời điểm hiện tại.

Ông Trần Đình Long nêu rõ một trong những nhược điểm của rất nhiều bản quy hoạch về năng lượng là không dự báo được nhu cầu, tình huống phát triển của kinh tế - xã hội tác động đến nguồn điện. Đó cũng chính là lý do khiến quy hoạch điện VII ra đời chưa được bao lâu thì phải điều chỉnh và cho ra đời quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo phân tích của ông Long, do không có tầm nhìn dài hạn và không quan tâm đúng mức đến nhu cầu dùng điện nên việc đáp ứng điện gặp rất nhiều khó khăn, đe dọa đến an ninh năng lượng. Thực tế, khu vực phía Nam với nền kinh tế sôi động luôn phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong 1-2 năm trở lại đây. "Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tiêu hao năng lượng rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng điện chưa cao. Ngành điện vẫn chạy theo đáp ứng đủ điện cho những đối tượng này nên không tránh khỏi căng thẳng. Hậu quả là hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam chưa cao, cường độ sử dụng năng lượng lớn, tỉ lệ tăng trưởng điện trên tăng trưởng GDP cũng lớn hơn các nước rất nhiều" - ông Long chỉ rõ.

Một điểm nữa thể hiện tầm nhìn của quy hoạch điện còn hạn chế là chưa lường đến việc hàng loạt dự án điện bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân nhưng chưa có giải pháp thúc đẩy một cách nghiêm túc. Việc này dẫn đến tình trạng dù tỉ lệ xây dựng trong tổng nguồn điện là rất lớn, đạt trên 90%, nhưng tỉ lệ nguồn phát hiệu quả lại không cao, ví dụ NLTT không phát lên lưới được.

 


Chưa có cảnh báo và chế tài

Một thành viên của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đánh giá quy hoạch điện VII điều chỉnh chưa có cảnh báo và chế tài nghiêm ngặt với hậu quả của việc không thực hiện đúng tiến độ đưa các công trình nguồn điện vào hòa lưới. Từ đó, buộc phải đưa vào hoặc đẩy sớm lên các dự án nguồn tương tự quy mô nhưng lại ở vị trí xa trung tâm phụ tải dẫn đến phải sử dụng các biện pháp truyền tải chi phí lớn, rủi ro mà chưa chắc đã đáp ứng an ninh cung cấp điện.

Ngoài ra, nhiều lý do như thiếu vốn đầu tư; vướng mắc khi thực hiện các hợp đồng EPC; vướng mắc trong đàm phán các hợp đồng với các dự án BOT; các vấn đề về hiệu quả kinh tế khi đưa khí Lô B vào vận hành nhà máy điện khí Ô Môn... dẫn đến nguy cơ thiếu điện ở miền Nam trong giai đoạn sau năm 2020 là rất cao. Vị này kiến nghị cần khắc phục những hạn chế nêu trên khi xây dựng quy hoạch điện VIII.


-------------------------
Kỳ tới: Điện "sạch" lên ngôi


Theo THÙY DƯƠNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm