"Bình thường mới"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do sinh sống trong “vùng vàng” nên đám cưới của cháu tôi được tổ chức rất gọn nhẹ, đảm bảo các quy định của Bộ Y tế về phòng-chống dịch Covid-19. 
1. Trong đám cưới của cháu tôi, từ lễ đính hôn đến vu quy, tân hôn... tất thảy chỉ hiện diện vài ba chục người gồm: tứ thân phụ mẫu, bà con dòng họ, bạn bè thân thiết và đội ngũ phục vụ. Tuy không ồn ã, náo nhiệt như những đám cưới trước đây, nhưng các nghi lễ đều diễn ra chuẩn mực, tình nghĩa vợ chồng, gia đình, dòng họ, bạn bè đong đầy cảm xúc. Ngày về nhà chồng, cháu tỏ ra rất vui vẻ, hạnh phúc với tình yêu thương của người chồng và cả hai gia đình dành cho mình.
Trong câu chuyện gia đình sau đó, tôi hỏi ba của cô dâu: “Bác có mệt lắm không?”. Không cần đắn đo suy nghĩ, anh đáp ngay: “Vậy mà khỏe đó chú”. Chuyện vãn một hồi, tôi được anh chỉ ra một số cái “khỏe” so với trước đây: không phải lo chạy vạy đặt tiệc cưới nhà hàng, không phải dặm trường đi phát hàng trăm thiệp mời, không phải cụng ly nâng lên đặt xuống khổ thân… Đặc biệt là không lăn tăn lo lắng vì đã làm phiền đến anh em, bạn bè, chiến hữu. Thử nhìn ở chiều khách mời, tôi đồ rằng cũng không ít người cảm thấy nhẹ người vì không phải dành một khoản tiền để “ăn cơm bụi giá cao” vào mỗi dịp cuối tuần.
2. Dịp Tết Dương lịch vừa rồi, thay vì tập trung tại các tụ điểm vui chơi, ăn nhậu, nhiều gia đình tổ chức sinh hoạt tại nhà hoặc hòa mình thư giãn với cảnh sắc thiên nhiên sau một năm học tập, lao động vất vả. Rõ ràng sự chuyển đổi hình thức sinh hoạt trong những ngày đầu năm mới đã góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ không gian sinh hoạt cũng đã góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, góp phần khắc phục những mặt hạn chế của kiểu gia đình hiện đại “mạnh ai nấy lo”. Còn gì tốt hơn khi vào dịp lễ, Tết, mối quan hệ gia đình càng trở nên bền chặt; ông bà, cha mẹ, anh chị em, con cháu càng xích lại gần nhau!
3. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chúng ta thường nhắc đến cụm từ trạng thái “bình thường mới”. Và khẩu hiệu hành động mà Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 đề ra là: Thích ứng để bình thường mới!
Theo Wikipedia, trạng thái “bình thường mới” là thuật ngữ được sử dụng trong kinh doanh để đề cập tới tình hình kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại suy thoái và đại dịch Covid-19. Từ đấy, thuật ngữ cũng được sử dụng rộng rãi để nói đến một thứ bất thường nhưng lại trở nên bình thường sau đó. Trong đại dịch Covid-19, cụm từ “bình thường mới” được dùng để đề cập tới sự thay đổi hành vi con người sau đại dịch.
Trong hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mà còn tác động, chi phối, thậm chí điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Để phòng-chống dịch bệnh, từ hoạt động hành chính nhà nước, đối ngoại đến các nghi lễ tôn giáo, phong tục, tập quán, thói quen… cũng phải điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Trong quá trình điều chỉnh ấy, chắc chắn sẽ phát sinh không ít yếu tố bất lợi, thậm chí khó chấp nhận trong dài hạn, nhưng cũng sẽ xuất hiện những mô hình mới, lối suy nghĩ ưu việt. Theo đó, những câu chuyện, sự việc chúng tôi đề cập trên đây có thể xếp vào diện “bình thường mới”.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có một câu nói rất đáng chú ý: Phải biến nguy thành cơ! Đại dịch Covid-19 đã đẩy mọi ngành, lĩnh vực, đời sống đến nguy cơ thiệt hại, thậm chí phá sản. Tuy nhiên, trong quá trình thích ứng và phòng-chống dịch bệnh, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đã chủ động thích ứng và tranh thủ cơ hội để duy trì phát triển. Với tinh thần “gạn đục khơi trong”, trong bối cảnh dịch bệnh, mọi người cũng cần mạnh dạn loại bỏ những tập tục không tốt và những thói quen xấu để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập huấn quản trị mạng xã hội cho 123 học viên

Pleiku tập huấn quản trị mạng xã hội cho 123 học viên

(GLO)- Sáng 26-5, Ban Tuyên giáo Thành ủy Pleiku (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Chính trị TP. Pleiku khai giảng Lớp tập huấn quản trị viên Fanpage, Facebook năm 2023 (lớp thứ nhất). Tham dự lớp tập huấn có 123 học viên là quản trị viên trang Fanpage, Facebook của các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy Pleiku.
Hỗ trợ 3 triệu đồng cho học sinh bị suy thận ở Pleiku

Hỗ trợ 3 triệu đồng cho học sinh bị suy thận ở Pleiku

(GLO)- Chiều 24-5, Công đoàn cơ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND phường Hội Phú (TP. Pleiku) đến thăm hỏi, động viên và trao tặng 3 triệu đồng tiền mặt và 1 thùng sữa cho em Phạm Ngọc Toàn (học sinh lớp 10A1,Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku), trú tại tổ 4, phường Hội Phú).
20 năm làng tái định cư đìu hiu, làng cũ vẫn nhộn nhịp

20 năm làng tái định cư đìu hiu, làng cũ vẫn nhộn nhịp

(GLO)- Năm 1999, mấy chục hộ dân làng Kuái chuyển về khu tái định cư cách trụ sở xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) độ chục bước chân với mong ước cuộc sống sẽ khởi sắc. Vậy mà, hơn 20 năm sau, làng cũ vẫn nhộn nhịp, đông vui; trong khi ở làng mới, cảnh vật đìu hiu, cửa nhà im ỉm, người vắng hoe, chỉ có tiếng gió xào xạc.
Chư Păh tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp

Chư Păh tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp

(GLO)- Sáng 17-5, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Các đồng chí: Trần Minh Sơn-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện, Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện đồng chủ trì hội nghị.
Cần làm rõ khuất tất trong chuyển nhượng mỏ cát ở Mang Yang

Cần làm rõ khuất tất trong chuyển nhượng mỏ cát ở Mang Yang

(GLO)- Ngày 10-5, Báo Gia Lai tiếp nhận đơn của ông Hoàng Văn Hữu (trú tại phường 14, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) tố cáo ông Trần Thắng (SN 1986, trú tại tổ 1, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong việc chuyển nhượng mỏ cát ở Mang Yang. Tuy nhiên, qua làm việc với Báo Gia Lai ông Thắng cho rằng mình thực hiện đúng pháp luật .