Binh đoàn 15 với chiến lược phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng-an ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trải qua hơn 31 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự đùm bọc, che chở của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, người lao động của Binh đoàn 15 đã phát huy phẩm chất của “đội quân công tác”, “đội quân lao động sản xuất”; đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ, công nhân của Binh đoàn đã đồng cam cộng khổ, cùng với đồng bào địa phương từng bước biến những vùng đất hoang hóa, nhiều tàn tích sau chiến tranh trở thành vùng kinh tế phát triển trù phú với bạt ngàn cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa nước… chạy dọc trên 220 km vùng biên giới. Hiện nay, Binh đoàn quản lý gần 41.000 ha cao su, 350 ha cà phê, 70 ha lúa nước trên địa bàn của 3 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình và 2 nước bạn Lào, Campuchia, chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vành đai biên giới. Hàng chục ngàn ha cao su, cà phê cho hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm đã thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở các vùng nông thôn, buôn làng ngày càng phát triển. Điều đặc biệt là quy hoạch phát triển của Binh đoàn luôn gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của vùng và các địa phương.

 

Lãnh đạo Binh đoàn 15 cùng các đồng chí cán bộ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm vườn cây của Công ty 715 (Binh đoàn 15). Ảnh: Văn Thiền
Lãnh đạo Binh đoàn 15 cùng các đồng chí cán bộ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm vườn cây của Công ty 715 (Binh đoàn 15). Ảnh: Văn Thiền

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Binh đoàn luôn gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với các mặt hoạt động ở địa phương, nhất là xây dựng cơ sở chính trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chủ trương “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, các công ty, đơn vị của Binh đoàn đã tổ chức kết nghĩa với 33 xã; các đội sản xuất kết nghĩa với 271 thôn, làng; 4.617 hộ công nhân người Kinh gắn kết với 4.617 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với phương châm “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng khu dân cư đến đó”, Binh đoàn thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động tại chỗ. Do vậy, từ chỗ chỉ có gần 500 lao động với 3 cụm và 21 điểm dân cư cùng 1.718 hộ vào thời điểm năm 1990, đến nay, Binh đoàn có gần 17.000 lao động và hàng vạn nhân khẩu, được bố trí trên 10 cụm với hàng trăm điểm dân cư dọc biên giới. Các thôn, làng mới ra đời không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thay đổi cuộc sống mà còn tạo thành các khu vực vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đặc biệt, Binh đoàn đã thu hút được 6.699 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân hoặc nhận khoán vườn cây của Binh đoàn, tạo ra những nhân tố mới trong xây dựng thôn, làng văn hóa, góp phần đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu, tích cực vận động đồng bào tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Binh đoàn đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần quan trọng trong việc tạo ra một vùng kinh tế-xã hội ổn định và phát triển; trong đó, mô hình “Gắn kết hộ” là một sáng tạo thực tiễn và là bước phát triển mới của hình thức “Dân vận khéo” theo Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến nay, mô hình “Gắn kết hộ” của Binh đoàn đã phát huy hiệu quả; các cặp hộ người Kinh gắn kết đã hỗ trợ cách thức làm ăn cho hộ người dân tộc thiểu số; nhiều mô hình sản xuất giỏi đã ra đời, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình.


Binh đoàn cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra bộ mặt nông thôn mới cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư làm mới 418 km đường điện trung-hạ thế, 95 trạm biến áp, trạm thủy điện, làm mới 1.462 km và sửa chữa hàng ngàn km đường giao thông, hàng trăm cầu, cống, hàng chục hồ đập thủy lợi, hàng chục hệ thống nước sạch; xây dựng 8 trường tiểu, trung học cơ sở (bàn giao cho địa phương); 10 trường mầm non với 130 điểm trường, 1 trường tiểu học bán trú, 1 trường trung học cơ sở bán trú tại xã Mo Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum); 1 bệnh viện hạng II và 11 bệnh xá quân dân y kết hợp… Chỉ tính 7 tháng năm 2016, Binh đoàn đã huy động 6.416 ngày công giúp dân khai hoang, phục hóa ruộng nước, làm đất, cấy lúa để cải thiện vấn đề lương thực; làm 1,4 km đường giao thông và 1,7 km đường dây điện với tổng trị giá 6,5 tỷ đồng để phục vụ cho việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong đợt nắng hạn năm 2016, Binh đoàn đã giúp người dân vùng hạn 5.000 m3 nước sinh hoạt và hơn 10 tấn gạo cứu đói. Bên cạnh đó, các đơn vị trong Binh đoàn còn xây 1 trường mẫu giáo, 3 nhà tình nghĩa, 2 phòng học, 2 bể nước ngầm... tổng giá trị 10,5 tỷ đồng; tặng đồ dùng học tập cho học sinh và hỗ trợ các quỹ phúc lợi với tổng số tiền trên 72 triệu đồng. Ngoài ra, các đơn vị trong Binh đoàn còn chi trên 11,54 tỷ đồng thăm, tặng quà và trợ cấp cho các cháu tật nguyền, chất độc da cam, thương-bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, hộ công nhân đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, già làng, trưởng thôn... trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Cùng với đó, Binh đoàn luôn chủ động phối hợp với lực lượng Quân sự, Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng dự án; tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị bạn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ sự bình yên của nhân dân.

Hiện nay, giá mủ cao su xuống rất thấp, thị trường tiêu thụ kém, hàng tồn đọng nhiều, nhưng Binh đoàn vẫn quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh kết hợp với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh trên địa bàn. Để làm được điều đó, trước hết Binh đoàn quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, triển khai tốt công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Trong đó, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung tạo bước đột phá nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh; chủ động hợp tác, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, tìm lời giải tốt nhất cho bài toán tiêu thụ sản phẩm cao su. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển một số loại cây trồng, vật nuôi thay thế, trên cơ sở tận dụng và phát huy thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực. Đối với các vườn cây đang trong thời kỳ sinh trưởng, Binh đoàn chủ trương khuyến khích tổ chức trồng xen canh các giống cây ngắn ngày, bảo đảm vừa tăng thu nhập, vừa là biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”.

Đi đôi với phát triển kinh tế-xã hội, Binh đoàn tiếp tục chú trọng củng cố, tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các cụm dân cư.
Để tiếp tục duy trì sự ổn định và phát triển, Binh đoàn rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chính quyền địa phương, nhất là việc ưu tiên hỗ trợ, bảo đảm nguồn vốn (trung hạn và dài hạn) để giữ diện tích vườn cây cao su; đồng thời, có cơ chế chính sách đồng bộ, toàn diện, lâu dài trong thời gian tới để Binh đoàn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh tế-quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Thiếu tướng Đặng Anh Dũng
Tư lệnh Binh đoàn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.