Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Phú Thiện cần triển khai ngay dự án Khu dân cư Suối cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 17-2, tại Hội trường 30-3, Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023; kết quả thực hiện Kết luận số 77-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Thiện ngày 10-10-2016. Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Huy

Tham gia buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Thanh Bình; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Tài chính; Xây dựng; Giao thông vận tải; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; Công ty TNHH một thành viên khai thác Công trình thủy lợi Gia Lai.

Năm 2022, với sự vào cuộc đồng bộ và sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, 20/21 chỉ tiêu lớn về kinh tế-xã hội đã đạt và vượt Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và HĐND huyện đề ra. Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 11,12% (vượt 0,05% so với Nghị quyết năm 2022); tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện hơn 5.040 tỷ đồng (vượt 0,22% kế hoạch). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt 42,6 tỷ đồng (vượt 42,65% so với dự toán tỉnh giao, vượt 19,53% nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và HĐND huyện). Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm (đạt 100% nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và HĐND huyện).

Quang cảnh buổi làm việc tại Hội trường 30-3. Ảnh: Anh Huy

Quang cảnh buổi làm việc tại Hội trường 30-3. Ảnh: Anh Huy

Sản xuất nông nghiệp luôn được huyện quan tâm chỉ đạo với tổng diện tích gieo trồng 29.577 ha (vượt 0,3% so với nghị quyết 2022); chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết số 10-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện với tổng diện tích đã chuyển đổi sang trồng trọt là 425 ha (đạt 87,6% kế hoạch), chuyển đổi sang chăn nuôi trang trại tập trung là 58,5 ha (đạt 48% kế hoạch) và chuyển đổi sang nuôi chim yến khoảng 1 ha (đạt 8,3% kế hoạch). Huyện tiếp tục thực hiện cánh đồng lớn một giống với 2.410 ha/2 vụ/ năm đối với cây lúa, xây dựng 30 ha cánh đồng lớn đối với cây mía và duy trì 15 ha đối với cây rau; triển khai liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm với diện tích 100 ha, năng suất lúa liên kết bình quân đạt 7,5 tấn/ha (cao hơn năng suất lúa bình quân của huyện khoảng 2 tấn/ha). Ban Thường vụ Huyện ủy ký kết chương trình phối hợp với Đảng ủy Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và đã triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh với quy mô 4.000 m2 tại 4 xã: Ayun Hạ, Ia Ake, Ia Sol, Ia Peng.

Cũng trong năm 2022, huyện đã thành lập mới 18 doanh nghiệp và 4 HTX; từ nguồn vốn đầu tư công đã đầu tư cho 46 công trình và 2 chương trình mục tiêu quốc gia. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án giảm nghèo, nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2022-2025 là 6,52%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,62% (vượt 0,62% so với nghị quyết), mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 4,28% (vượt 1,78% so với nghị quyết); đã giải quyết việc làm cho 2.857 lao động (vượt 0,24% nghị quyết); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60% (đạt 100% nghị quyết); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% (vượt 6,25% nghị quyết).

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 4 từ phải qua) khảo sát dự án kè chống sạt lở và đập điều hòa sông Ia Sol, giai đoạn 2. Ảnh: Anh Huy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 4 từ phải qua) khảo sát dự án kè chống sạt lở và đập điều hòa sông Ia Sol, giai đoạn 2. Ảnh: Anh Huy

Các lĩnh vực về y tế, giáo dục, quốc phòng-an ninh, phát triển du lịch... tiếp tục được huyện quan tâm chỉ đạo; công tác tiếp dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân được cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng thực hiện đúng quy định... Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong năm 2022, từ huyện đến cơ sở đã tổ chức 101 buổi sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa”; hoàn thành công tác biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện Phú thiện, giai đoạn 1945-2020 và tổ chức có hiệu quả Cuộc thi “Tìm hiểu 75 năm lịch sử Đảng bộ huyện Phú Thiện” bằng hình thức trực tuyến. Đảng bộ huyện đã kết nạp được 94 đảng viên mới (vượt 3,29% Nghị quyết).

Về kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy ngày 10-10-2016, đến nay hầu hết các nội dung đã được huyện thực hiện. Hiện còn nội dung quy hoạch, đầu tư cho hạ tầng phát triển du lịch tại khu vực bảo vệ di tích Plei Ơi huyện đang phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh để triển khai thực hiện việc lập hồ sơ điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Plei Ơi theo hướng dẫn của Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch). Riêng việc đầu tư đường tránh qua Trung tâm thị trấn Phú Thiện chưa thực hiện, vì theo trả lời của Bộ Giao thông-Vận tải, tuyến đường tránh chưa nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái qua) trò chuyện cùng lãnh đạo xã Ia Sol và người dân khu dân cư Suối cạn. Ảnh: Anh Huy

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 2 từ trái qua) trò chuyện cùng lãnh đạo xã Ia Sol và người dân khu dân cư Suối cạn. Ảnh: Anh Huy

Tại buổi làm việc, huyện cũng đề xuất, kiến nghị về việc đầu tư các tuyến đường để tạo liên kết vùng và phục vụ hạ tầng du lịch; đầu tư hạ tầng đô thị, hạ tầng thủy lợi và hạ tầng nước sạch. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh quan tâm, xem xét, bố trí nguồn kinh phí để huyện hoàn thành việc tái định cư Suối cạn (xã Ia Sol) trong năm 2023... Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của huyện, lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành đã trao đổi, hướng dẫn, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh, Phú Thiện có những điều kiện thuận lợi: địa hình bằng phẳng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, có công trình Thủy lợi Ayun Hạ, có tiềm năng phát triển du lịch... và 8/10 xã, thị trấn nằm trên Quốc lộ 25, do đó Ban Thường vụ Huyện ủy cần nghiên cứu, tính toán để tạo sức bật trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo người dân được hưởng lợi một cách thiết thực nhất; tập trung phát triển nông nghiệp mang lại năng suất, hiệu quả, giá trị cao và quan tâm đến công tác trồng rừng, công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; chú trọng đến công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là việc huy động trẻ đến trường cũng như duy trì sĩ số học sinh; chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; tiếp tục chủ động trong triển khai các hoạt động văn hóa kết hợp với du lịch... Về lộ trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025, huyện cần xây dựng nông thôn mới thực chất, đảm bảo người dân được hưởng thụ tốt nhất.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị địa phương tiếp tục chú trọng đến công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, trong đó tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; quan tâm đến công tác phát triển đảng viên ở thôn, làng và xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất vì công việc chung; tiếp tục phát huy hiệu quả công tác dân vận của các lực lượng, của cả hệ thống chính trị; tập trung cho kiện toàn cán bộ quản lý ở đơn vị, địa phương còn khuyết.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan cần bắt tay vào triển khai nhanh một số vấn đề cấp bách; những vấn đề nào huyện và nhân dân lo được thì địa phương cần linh động các nguồn lực, chủ động thực hiện. Riêng với dự án khu dân cư Suối cạn, đề nghị huyện cần bắt tay vào thực hiện ngay.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng quà người dân khu dân cư Suối cạn. Ảnh: Anh Huy

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng quà người dân khu dân cư Suối cạn. Ảnh: Anh Huy

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung và các thành viên đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại một số vị trí huyện đề xuất triển khai dự án: Kè chống sạt lở và đập điều hòa sông Ia Sol, giai đoạn 2; đường nối Quốc lộ 25 đi tỉnh lộ 662B và tỉnh lộ 666 đến huyện Mang Yang; đầu tư khu tái định cư Suối cạn (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol). Đồng thời thăm và tặng quà các hộ dân ở khu dân cư Suối cạn.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào sáng 13-1. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư. 

Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia

Gia Lai: Gần 12 ngàn đại biểu dự hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

(GLO)- Sáng 13-1, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị kết nối đến 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với 978.532 đại biểu tham dự. Tại Gia Lai có gần 12.000 đại biểu tham dự.