Chuyện buồn bên dòng Suối Cạn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đường sá trắc trở, thường bị cô lập mỗi khi mưa lớn nên dù rất gần với trung tâm huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) nhưng cụm dân cư tự phát Suối Cạn (xã Ia Sol) vẫn như một thế giới biệt lập. Sự học của các em nhỏ ở đây thường xuyên bị gián đoạn, tỷ lệ nghỉ học, mù chữ, tái mù chữ rất cao gắn với cuộc sống đói nghèo, lạc hậu. Câu chuyện buồn bên dòng Suối Cạn sắp được khép lại khi huyện triển khai dự án di dời các hộ dân về nơi ở mới thuận lợi hơn.
Gian nan sự học
Trên đường dẫn chúng tôi vào cụm dân cư Suối Cạn, ông Nguyễn Hữu Khóa-Chủ tịch UBND xã Ia Sol lý giải nơi đây “tuy gần mà xa” là bởi đường sá rất khó đi. Vào mùa mưa lũ, dòng Suối Cạn chia cắt hoàn toàn cụm dân cư tự phát này với cuộc sống bên ngoài.
Đúng như những gì ông Khóa vừa nói, con đường bê tông dừng lại ở cuối thôn Thắng Lợi 3, phía trước là con đường mòn đầy cát. Chiếc xe máy của chúng tôi phải giảm tốc độ hết mức nhưng vẫn rất khó đi. “Mùa mưa, nước suối dâng lên ngập hết cả khu vực này, cát từ đầu nguồn đổ về rất nhiều, ngập đến nửa bánh xe. Chỉ khi dứt mưa hẳn vài tiếng đồng hồ mới có thể đi được, nhưng người lái phải thật cứng tay. Còn muốn vào đến nơi thì phải chờ Suối Cạn rút bớt nước mới có thể vượt dòng qua phía bờ bên kia. Mặc dù cụm dân cư này chỉ cách thị trấn Phú Thiện chưa tới 4 km, cách trung tâm xã Ia Sol khoảng 8 km nhưng nhiều lúc đi hoài mà chẳng tới”-ông Khóa chia sẻ.
 Vào mùa mưa lũ, dòng Suối Cạn chia cắt hoàn toàn cụm dân cư tự phát với cuộc sống bên ngoài. Ảnh: Minh Nguyễn
Vào mùa mưa lũ, dòng Suối Cạn chia cắt hoàn toàn cụm dân cư tự phát với cuộc sống bên ngoài. Ảnh: Minh Nguyễn
Suối Cạn mùa này đã cạn dòng nên chiếc xe máy dễ dàng vượt qua. Vừa đến nơi, chúng tôi đã thấy một nhóm người lớn và con nít tụ tập dưới bóng cây che mát hiếm hoi ở đây. Hỏi ra mới hay, các giáo viên ngoài xã cũng vừa đến vận động học sinh ra lớp. Có lẽ đây không phải là lần gặp đầu tiên nên giữa các thầy-cô giáo và những đứa trẻ rất thân thiện, gần gũi. Một cô giáo còn ngồi xổm dưới đất cùng đám trẻ chơi trò oẳn tù tì, ai thua thì bị búng vào tai, kèm theo đó là những tiếng cười nắc nẻ, giòn tan.
Ngồi theo dõi đám trẻ chơi đùa, cô Phạm Thị Ngọc-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vàng Anh (thôn Thắng Lợi 3) thông tin: Ở đây có đến 68 cháu tuổi từ 1 đến 15; số đủ tuổi ra lớp có trên 40 em. Mỗi năm có khoảng 14-16 cháu trong độ tuổi học mẫu giáo. Năm nay, giáo viên Trường Mẫu giáo Vàng Anh đã vận động được 8/12 cháu ra lớp, 4 cháu còn lại rất khó do gia đình không có phương tiện đi lại, bố mẹ làm thuê thường đi sớm về muộn, không có người đưa đón. “Việc học của các cháu phần lớn phụ thuộc vào phụ huynh, chứ theo học mẫu giáo hoàn toàn miễn phí. Gạo thì các cô thay nhau mang từ nhà đến hoặc kêu gọi doanh nghiệp và những phụ huynh khác có điều kiện hỗ trợ. Còn thức ăn thì các cô san sẻ phần của mình. Cô ăn gì thì trò dùng thức đó”-cô Ngọc chia sẻ.
Nhưng cái ăn vẫn dễ đối phó hơn sự hung dữ của dòng Suối Cạn. Ngày thường, thấy học trò nghỉ vài hôm là thầy cô đã vượt suối vào chở các em ra lớp. Xe máy qua suối bị ngập nước, thầy cô cùng hè nhau đẩy hay ngã xe là chuyện “cơm bữa”. Nhưng mưa thì đành chịu. Chuyện học của 20 em học sinh tiểu học ở đây theo đó cũng phập phù. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng đa số học lực các em chỉ ở mức trung bình, yếu.
Không có cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân ở cụm dân cư tự phát Suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) sống trong cảnh “4 không” (không điện-đường-trường-trạm). Ảnh: Minh Nguyễn
Không có cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân ở cụm dân cư tự phát Suối Cạn (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) sống trong cảnh “4 không” (không điện-đường-trường-trạm). Ảnh: Minh Nguyễn
Cô Siu H’Vân-giáo viên Trường Tiểu học Thắng Lợi-cho hay: Vì đi học “bữa đực, bữa cái” hết tiểu học nên các em biết đọc là thầy cô đã… mừng lắm rồi. Còn viết chữ thì phải nhìn bảng hoặc nhìn sách mới viết được. “Nói là “vẽ chữ” thì đúng hơn. Học hết lớp 5 nhưng có em đọc được, có em không. Đặc biệt, các thầy cô không được hối thúc, phải đợi các em từ từ vừa đánh vần vừa đọc. Nhưng cũng rất chậm”-cô H’Vân nói về việc học của các em ở cụm dân cư Suối Cạn.
Năm học này, cụm dân cư Suối Cạn có 10 em vào đầu cấp THCS nhưng tiếng trống khai giảng đã điểm nhiều ngày qua mà các em vẫn “bóng chim tăm cá”. Thầy Phạm Ngọc Đông-giáo viên Trường THCS Trưng Vương-lo ngại: “Quãng đường từ cụm dân cư này đến trường gần 8 km nên các em ngại đến lớp, phụ huynh thì không có phương tiện lẫn thời gian đưa đón. Trước đây, trường gần hơn mà các em còn đi học không đều. Giờ đường đi xa hơn phải tính toán phương án hợp lý, chứ nguy cơ các em nghỉ học, tái mù chữ là rất cao”.
Kỳ vọng vào nơi ở mới
Theo khảo sát của chính quyền xã Ia Sol, từ năm 1982, một số hộ người Jrai đã vào khu vực Suối Cạn tìm đất sản xuất, sau đó dần dần định cư. Đến nay, khu dân cư tự phát Suối Cạn có đến 34 hộ với 172 khẩu sinh sống.
Không có cơ sở hạ tầng thiết yếu, người dân sống trong cảnh “4 không” (không điện-đường-trường-trạm). Cuộc sống của bà con rất khép kín, quanh quẩn với mô hình tự cung tự cấp nên ngoài chính quyền địa phương, rất ít người biết đến sự tồn tại của cụm dân cư tự phát này. Đói nghèo, lạc hậu là điều hiển nhiên. Chỉ cần đưa mắt quanh một vòng là có thể đưa ra nhận định, nơi đây gần như 100% là hộ nghèo. Bởi nơi ở của họ là những căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo, bốn bề che chắn tạm bợ bằng những tấm tôn mỏng cũ nát. Chuyện học hành của con trẻ ở đây cũng bị bỏ bê theo cuộc mưu sinh của người lớn.
“Dân ở đây nghèo lắm. Bà con chủ yếu làm thuê theo thời vụ”-bà Siu H’Phương mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng những câu than thở về cuộc sống. Năm 1998, vợ chồng bà rời làng Knông A (thị trấn Phú Thiện) vào định cư ở đây. Không rẫy nương, vợ chồng làm thuê để đắp đổi cuộc sống. Ấy vậy mà lần lượt 10 người con ra đời. Trong số này, 4 người con lớn đã có gia đình riêng. Cách đây 5 năm, chồng mất do bệnh tật nên gánh nặng nuôi dạy các con đè nặng lên vai bà H’Phương.
Chuyện học hành của trẻ em ở cụm dân cư tự phát Suối Cạn bị bỏ bê theo cuộc mưu sinh của người lớn. Ảnh: Minh Nguyễn
Chuyện học hành của trẻ em ở cụm dân cư tự phát Suối Cạn bị bỏ bê theo cuộc mưu sinh của người lớn. Ảnh: Minh Nguyễn
Bà H’Phương kể thêm: Thu nhập từ công việc làm thuê như làm cỏ, bón phân hay nhổ mì, thu hoạch cà phê… chưa đến 200 ngàn đồng/ngày nhưng có lúc bà phải nhận việc ở tận Đức Cơ, Chư Sê, Ia Grai. Các con bà ở nhà đứa lớn chăm đứa nhỏ, riết rồi cũng tự thích nghi. Sau khi “gia sản” lớn nhất là 3 con bò bị chết do nước lũ trong một lần bà đi làm xa, gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản.
Trong cụm dân cư này, người học cao nhất là chị Kpă H’Lúi (27 tuổi). Sinh ra và lớn lên ở đây, H’Lúi học đến lớp 10 thì bỏ dở do gia cảnh quá khó khăn. Giờ lấy chồng, H’Lúi là thế hệ tiếp nối cuộc sống khó khăn thiếu thốn nơi này. Không đất đai, vợ chồng chị cũng chỉ biết làm thuê để nuôi 2 con nhỏ. Chị H’Lúi cho hay: Mùa này không có việc, đến tháng 10 mới có người thuê nhổ mì, chặt mía, cắt lúa. Lúc nào thiếu ăn thì vay mượn họ hàng, vào mùa đi làm thuê mới trả được nợ. “Trước đây, ông ngoại mình có nhiều đất nhưng đã bán hết. Giờ ở đây chỉ có 3 hộ có đất, nhưng cũng chỉ khoảng 2 đến 3 sào. Đa số người dân làm thuê, khi nào có nhiều việc thì có tiền mua gạo, lúa để dành trong nhà, còn bột ngọt, đường, muối thì xin họ hàng ở làng bên. Lúc nhàn rỗi lên rừng bẻ măng, hái rau về ăn”-chị H’Lúi cám cảnh nói.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ia Sol cho biết: Nhằm ổn định đời sống người dân tại cụm dân cư tự phát Suối Cạn, UBND huyện Phú Thiện sẽ triển khai Dự án bố trí, sắp xếp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Ia Sol giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Dự kiến, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2025. Ông Khóa nhấn mạnh: “Việc quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nơi ở mới phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về điện, đường, hệ thống nước sinh hoạt, nước sản xuất, kênh thoát nước, có khuôn viên cây xanh bóng mát, được phân lô một cách hợp lý, khoa học. Đồng thời, sau khi di dời toàn bộ các hộ dân, chúng tôi sẽ tiến hành san ủi khu vực cũ để tránh việc người dân quay lại tái cư”.
Như vậy, trong tương lai không xa, người dân ở cụm dân cư tự phát Suối Cạn sẽ được “kéo” gần hơn với các điều kiện sống thiết yếu, thuận tiện đi lại, sản xuất và tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, việc học của các em nhỏ sẽ thuận lợi hơn. Bà H’Phương chia sẻ: Bà đang rất hy vọng về cuộc sống ổn định ở khu tái định cư cùng một tương lai tươi sáng hơn cho các con sau này. Còn chị H’Lúi cũng háo hức: “Nghe nói sẽ được bố trí về nơi ở mới, gia đình tôi cũng như người dân ở đây rất vui bởi con cái sẽ đi học thuận lợi, được khám-chữa bệnh và có cơ hội phát triển sản xuất”.
MINH NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.